Những mệnh lệnh hành chính ra đời trên bàn giấy, xa rời thực tế sản xuất… đã gây nên hậu quả nghiêm trọng, tạo bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Con cá ngừ ngắc ngư
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đang gặp khó khăn do các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo Thông tư số 36/2018/TT- BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Các lô hàng xuất khẩu đi châu Âu cũng chưa ra khỏi cảng vì nhiều cảng trên cả nước dừng hoàn toàn việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản từ khai thác (S/C), do các cảng này không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí cảng cá loại 1 và 2 (theo Điều 78,Luật Thủy sản 2017) nên không đủ điều kiện để được chỉ định là cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT.
Ông Nguyễn Hoài Nam -Phó tổng thư ký VASEP, cho biết: Từ khi Thông tư 36 và Thông tư 21 có hiệu lực, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đều trở tay không kịp vì hầu hết các lô hàng nguyên liệu này đã được ký hợp đồng trước đó ba tháng. Các doanh nghiệp này cũng ký kết hợp đồng giao hàng quý 1/2019 với thị trường châu Âu từ quý 4/2018.
Nhiều hợp đồng xuất khẩu đi châu Âu và các hợp đồng với ngư dân, đại lý cung ứng nguyên liệu đều bị ách tắc, nguy cơ bị đối tác hủy hợp đồng và xử phạt rất cao. Điều này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của cả ngư dân và doanh nghiệp. Bất cập này cũng gây ra nhiều tổn thất cả về kinh tế lẫn uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.
Ngoài ra, đa số các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ (Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Trung Quốc, UAE, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Uruguay, Nhật Bản…) đều từ chối xác nhận truy xuất nguồn gốc cho các lô hàng cá ngừ được trung chuyển. Chỉ có Thái Lan và Philippines đồng ý xác nhận nhưng mẫu và ngôn ngữ của hai quốc gia này không phù hợp với điểm G, Khoản 2, Điều 1 của Thông tư 36.
Nước mắm khốn đốn vì dự thảo TCVN-12607:2019
Bản dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận, ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết đã tạm dừng thẩm định dự thảo này để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội và tổ chức đối thoại để đảm bảo các điều kiện.
Bà Ngô Thị Kim Thọ -Phó chủ tịch Hội nước mắm Nha Trang, phân tích: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN02- 16:2012/BNNPTNT ban hành từ năm 2012 đã được áp dụng rất thực tế trong hoạt động sản xuất và quản lý 7 năm nay, rất sát sườn với những việc mà cơ sở sản nước mắm thực hiện và họ chấp nhận quy chuẩn này. Vì vậy, lẽ ra trong quá trình biên soạn dự thảo TCVN- 12607:2019 cũng nên dựa vào quy chuẩn đó”.
Dự thảo TCVN- 12607:2019 không kế thừa những thành tựu trước đó, cũng không không ghi nhận từ thực tế cuộc sống. Trong ban soạn thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm hoàn toàn không có một doanh nghiệp, hiệp hội nào tham gia, chỉ có đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ. Chính vì vậy nên dự thảo này đã bị phản ứng dữ dội, hầu như không nhận được một sự đồng tình nào.
GS Võ Tòng Xuân -Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chia sẻ: “Từ khi cơ quan quản lý Nhà nước có sáng kiến đặt tiêu chuẩn cho nước mắm đã gây ra rất nhiều phẫn nộ từ người làm nước mắm truyền thống. Tôi rất mừng là các cơ quan chủ trì soạn thảo bộ tiêu chuẩn này đã quyết định tạm ngừng. Đáng lý phải bỏ luôn dự án này vì nó không được sự ủng hộ của đại đa số người dân. Càng xây dựng lại càng thấy tào lao, lãng xẹt và quá nhiều vấn đề không minh bạch.
Nước Pháp có rượu vang nổi tiếng thế giới mà không cần Nhà nước quy định chất lượng rượu. Các hướng dẫn pháp lý là để chỉ dẫn địa lý, dưới đó có tên riêng của từng gia đình làm ra loại rượu đó. Tùy mỗi gia đình có gu thế nào thì làm ra hương vị đó. Cùng một giống nho nhưng thổ nhưỡng của đất khác nhau, cách ủ khác nhau cũng làm ra hương vị khác biệt, đa dạng. Nước mắm truyền thống của Việt Nam càng giữ được hương vị gốc thì thương hiệu ngày càng cao, không có gì phải sợ”.
Phế liệu ùn ứ ở cảng vì Thông tư 08/2018 và 09/2018
Bộ TN&MT ban hành Thông tư 01/2019 để ngưng hiệu lực thi hành một số quy định chồng chéo trong hai Thông tư 08/2018 và 09/2018 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và cơ quan chức năng thay đổi phương thức kiểm tra về phế liệu nhập khẩu để tháo gỡ cho doanh nghiệp nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Từ khi hai Thông tư 08 và 09 của Bộ TN&MT có hiệu lực, đã có đến 24.184 container phế liệu bị lưu giữ tại các cảng trên cả nước tính vào thời điểm tháng 1/2019 do chịu sự tác động từ các quy định chồng chéo này. Trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container, số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container.
Chính việc chậm được thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp từ 600.000-800.000USD/ngày, do mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container tiền lưu kho, bãi đối với 16.605 container (bị lưu giữ 30-90 ngày).
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn
Vụ sát hại Kim Chol: Tòa án tiến hành xét xử nghi phạm Đoàn Thị Hương
https://eltimes.vn/hoan-cau-trong-con-bao-tranh-chap-tai-san-namabank-dat-muc-tieu-len-hose-nam-2019/