Về trang chủ Chưa được phân loại Tết chiếu – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Tết chiếu – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Hồi còn tóc miểng vùa ba vá, Trơn cùng đám bạn trong xóm chạy rong mỗi bận trưa hè, thể nào cũng trốn ngoài đồng bày đủ thứ trò.
Minh họa: NGUYỄN PHÚ

Có lúc bày đánh trận giả, có khi chơi trốn tìm. Bẻ mấy cây cỏ cao làm mão phân tướng chia quân, hay lúc cao hứng còn đan đám cỏ thành quần áo. Có bận con Bông ăn cắp từ nhà ra đâu mớ lác đã nhuộm đỏ, nhuộm vàng. Nó trốn gần sát bến ngồi cầu kỳ đan cái áo choàng công chúa. Đám bạn chia hai phe dí nhau đánh trận chạy rân trời một đỗi mới dáo dác tìm công chúa. Công chúa vẫn chưa xong áo nên không thèm ra gặp. Cứ vậy mà hết cơn mưa đồng này đến cơn mưa đồng khác, đám con nít xóm Chiếu dần dà lớn lên.

Lớn lên có nghĩa là đứa ở, đứa đi. Miệt đồng heo hút đâu giữ nổi những cánh chim thiên di háo hức tìm chân trời lạ. Đám trẻ theo tía má lần lượt lên thành phố lập nghiệp. Ngày đi ngơ ngác chào nhau. Tiếng dập trân của xóm Chiếu từ từ thưa thớt. Thời này người ta nằm nệm ai đâu nằm chiếu. Xóm Chiếu chỉ còn lại mấy ông bà già với năm ba đứa nhỏ quá tía má không thể đem theo.

***

Ngoại thả cái nón lá xuống thềm nhà, ngồi nhìn mây trời bảng lảng như mấy cục bông trắng muốt trên nền xanh ngắt. Sớm mai ngoại nghe điện thoại ai đó rồi lật đật dắt chiếc xe đạp đi. Giờ ngoại về thở dài thườn thượt. Ở ngoài xã người ta hỏi còn ai biết dệt chiếu cổ không? Chục người ngó tới ngó lui. Hổng chắc dệt được vì lâu quá chừng.

Ngoại đây nè, học làm chiếu từ thời còn chưa biết chữ. Thời trái sáng còn nổ ì đùng khắp lục tỉnh chín nhánh sông. Nhưng mà, kỳ thực hồi xưa chiếu cổ, chiếu chữ là do mấy ông đàn ông mấy ổng làm. Mấy ổng được dạy. Cứ đời này dạy đời kia. Ngộ kỳ thời là mấy ổng khéo léo biết canh lác mầu mà dệt từng sợi, tỉ mỉ lãy để ra được cái chữ Hiếu, chữ Hỷ trên manh chiếu. Hay như chiếu cổ để lót cúng mấy dịp lễ, Tết cũng phải kỳ công canh ngựa, đỡ trật hổng ngay chính giữa là néo trân lệch, căng trân trùng ngay. Nghề chiếu đâu có dễ.

Xã bảo cái đề án khơi nguồn văn hóa đã được duyệt. Định Yên phải sống lại xóm Chiếu. Đồng lác phải họp lại chợ đêm. Kỳ này có tài trợ từ bà tiến sĩ nào đó bên nước ngoài. Năm nay có đoàn khảo sát văn hóa sẽ ghé xóm Chiếu để làm cái chứng nhận văn hóa cho chiếu Định Yên. Ông trên xã xuống họp thao thao bất tuyệt. Trong mênh mông sóng nước của buổi họp, mấy ông bà già tóc bạc mầu sương mai ngồi nghe ông chủ tịch xã ngắc ngứ câu chuyện mà lòng âm ba vọng vang cái biên sử làng Chiếu. Ông chủ tịch mới về xã, tóc lốm đốm bảy phần trắng, ba phần đen. Vốn dĩ người quen của xóm Chiếu. Tui đi giáp vòng cuối cùng chọn về đây cho những ngày cuối cùng là vì lẽ gì? Chắc bà con hiểu. Ông chủ tịch nói rồi lặng thinh. Mấy ông bà già xóm Chiếu lặng thinh.

Đợt đó Trơn cũng lào xào sóng lòng. Trơn thắp nhang lên bàn thờ ông. Trơn thủ thỉ với ông chuyện người ta muốn hồi sinh cái làng nghề.

***

Từ Lấp Vò theo đường lộ cái mà chạy dọc dài đụng cây cầu Định Yên là biết về xóm chiếu. Mấy mươi năm trước đường sá chưa làm, xóm giềng đâu có tên. Người ta cứ men theo con nước sông Hậu về xứ quýt, ngang qua miệt phơi lạc xanh tím, đỏ, vàng là biết tới cái xóm làm chiếu nức tiếng. Thương hồ lấy nghề làm tên xóm. Xóm Chiếu cứ theo đó mà lẫy lừng lục tỉnh.

Hồi Lãy về một Tết năm nào đó chừng hơn chục năm xa xứ. Lãy nhìn đất nức thành lô, thành lốc. Cầu Định Yên nối nhịp giao thương mà hải hồ sóng nước sao chừng im re. Lãy bảo thôi bỏ đi. Tiếc chi cái xứ mút chỉ cà tha này. Theo Lãy lên thị thành lập nghiệp. Mình còn trẻ mà, sống chi nơi này.

Lãy đi khi tía má bể nợ vụ mượn tiền làm chiếu máy năm đó. Chiếu bán ra không được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Số nợ hai ba chục triệu đồng cứ dần dà sinh sôi thành năm bảy chục triệu đồng. Một bữa trưa Trơn thấy người ta tới nhà Lãy xiết đồ. Tối đó Lãy ghé nhà, hai thằng ra mé sàn lãng ngồi mông lung với sông nước. Lãy lôi chai rượu giấu trong túi rồi lấy ra uống. Uống với châu thổ say cái say đầu đời rồi tao đi. Không biết đêm đó Lãy có say không mà nó gục mặt xuống khóc ngon ơ.

Trơn biết Lãy cũng như con Bông mà thôi. Biền biệt, mất hút. Có tiền hay không tiền đâu có quyết định người ta có quay về cố xứ hay không. Là do lòng mình thôi. Trơn cũng uống. 14 tuổi, Trơn thấy rượu gạo xứ mình cay quá. Nóng trong ruột gan. Nóng bừng bừng cái đầu. Như hồi Bông đi vậy đó. Trơn chạy theo ra tận bến sông, con Bông vẫn ôm chầm mấy cộng lác mầu vừa đan xong cái áo choàng công chúa.

Lãy về khi đã biết mặc áo sơ-mi đóng thùng. Cái quần tây phẳng phiu. Đôi giày đen bóng loáng. Lãy về theo dự án khu công nghiệp. Dự án đang nhắm cánh đồng cỏ lác. Tin tao đi, nhà máy mà xây lên, là nhiều người có việc. Sau bận đó Lãy không về nữa. Trơn là đứa đầu tiên trong xóm không đồng ý Dự án khu công nghiệp đồng cỏ lác. Lãy nhìn Trơn tím mặt. Lãy đập bàn cái rầm rồi đứng lên đi mất.

Đêm đó ngoại ngoắc Trơn ra thềm nhà. Ngoại chỉ cái tủ thờ cũ càng mầu vẹc-ni sờn phai theo thời gian. Trong cái tủ có cái hộp ghi-gô là giấy tờ nhà cửa đất đai ngoại cuộn lại trong đó. Có luôn cái túi vải đựng vàng. Ngoại chắt chiu cả đời, để lại hết cho bây. Ngoại đung đưa cánh võng. Ngoại hát mấy câu vọng cổ xưa: “Chiếc chiếu treo là ngãi. Chiếc chiếu trải là tình. Thiên minh minh. Địa cũng minh minh. Họ xa kệ họ, hai đứa mình đừng xa”. Câu hát rót vào đêm miệt bưng những u hoài vọng vang.

Vậy là ngoại đang nhớ ông. Câu hát ngày xưa ông ghẹo bà giữa một đêm họp chợ. Bà 18, ông thì đôi mươi. Ông theo cha từ miệt Nha Mân xuôi ghe thương hồ lấy chiếu. Ông cầm cái đèn dầu soi chiếu, mà kỳ thực ánh mắt cứ đắm đuối vào bà. Chừng ông trả giá, bê chiếu lên ghe cố tình sót lại một đôi. Bà tan buổi chợ cứ giữ hoài đôi chiếu mới. Câu hát đi theo bà suốt cả cuộc đời. Có bận ông hát rao bán chiếu cho Trơn nghe. Nghe miết rồi thuộc. Ngày ông đi, lưng chừng xuân, đột ngột ngã quỵ xuống trên mâm cúng ra chiếu mồng 8 Tết. Bà dẹp luôn nghề chiếu từ đó.

***

Thiên hạ xóm Chiếu nháo nhào mừng rỡ khi Trơn mở đôi chiếu cổ mình vừa dệt ra. Trơn dệt tay. Tự mình néo trân như hồi mười tuổi ông dạy. Tự mình căng trân như hồi năm Trơn mười bốn. Ngoại thì nhuộm lác, cầm chuồi. Hai bà cháu cứ hì hục dệt từ đầu Chạp. Dệt thử ra loại chiếu cổ từ ký ức xưa xa ông truyền dạy. Có hôm kỳ công cả ngày, chiếu bị lệch trục. Có lần lãy chữ không khéo bị méo nét. Cũng có lần ngoại bảo hay thôi đi. Mình có lòng mà trời hổng thấu thì biết mần sao. Trơn nín thinh, chỉ biết nhìn về phía bàn thờ ông. Lưng chừng Chạp rồi. Biết có kịp hay không?

Đêm đó Trơn ra mé sàn lãng nằm gác chân chữ ngũ. Chỉ thiếu mỗi kéo ngao thuốc gò là y hệt ông thời còn sống. Nhưng Trơn có rượu gạo. Lâu lắm rồi Trơn mới uống rượu. Trơn khật khưỡng nằm nhìn trăng. Trong chập chờn của say tỉnh, Trơn thấy con Bông hồi năm mười tuổi thỏ thẻ chạy quanh cánh đồng cỏ lác. Con Bông hít lấy, hít để. Hít để mai mốt khi xa thì còn có cái mà nhớ. Má con Bông về làm hồ sơ rước con Bông đi nước ngoài. Đâu đó xa lắm. Hồi đó xứ này nghèo, thiên hạ mai mối nhau lấy chồng Đài Loan rần rần như một cuộc đổi đời. Đời chưa kịp đổi thì bụng mang dạ chửa rồi người ta bỏ đi mất tiêu. Má con Bông đem con Bông về ở với ngoại nó.

Trăng soi dòng Định Yên mầu bàng bạc. Đêm thâm u những rỉ rả chướng tàn. Giữa những âm ba sóng nước vẳng bên tai Trơn như có lời ông dạy, vừa đủ nhỏ để Trơn nghe, vừa đủ chậm để Trơn nhớ. Trơn say quá rồi. Trơn nhắm mắt lại. Ông vẫn ngồi bên khung dập, Trơn nắm chuồi. Ông lãy chữ Thiên. Ông kéo chữ Địa. Từng ngón tay canh lác. Ngón trỏ đè chằn, ngón giữa móc nối, ngón út kéo sợi. Năm ngón tay đè dập thật sát. Cứ vậy mà thoăn thoắt. Chiếu cổ phải đủ hai hình vuông tròn tượng trưng trời đất. Tất thẩy hiện rõ mồn một. Trơn vùng dậy, ngay trong đêm Trơn với ngoại dệt lại lần cuối. Trời rạng sáng là xong đôi chiếu cổ.

Ông chủ tịch ngó đôi chiếu cổ rồi mắt đỏ hoe. Mấy ông bà già xóm Chiếu cay xè sống mũi. Trơn ngó lên bàn thờ ông ngoại. Ai họa cái hình mà ông cười tươi quá chừng.

***

Ai đó kêu đoàn khách tới kìa. Những người ngoại quốc hồ hởi chụp hình, sờ từng tấm chiếu Định Yên. Chiếu dệt thủ công nên đường nét hoa văn tinh xảo. Chiếu cổ lãy chữ điêu luyện. Rôm rả và xôm tụ. Trơn lấy giọng hát rao: “Chiếu treo là ngãi. Chiếu trải là tình. Ai mua chiếu hông. Chiếu bông chiếu trắng. Chiếu vắn chiếu dài. Chiếu dệt lầu đài. Cổ đồ bát bửu. Chiếu tây hột lựu. Da lợn bông bao. Chiếu rộng mầu cau. Con cờ, mặt võng. Dệt bông chong chóng. Ngũ sắc, bá huê. Đẹp hết chỗ chê. Ngôi sao, tùng lộc. Chiếu trải giường hộc. Chiếu trải giường Tàu. Chiếu trải giường trước. Chiếu trải giường sau. Chiếu nào cũng đủ. Gia chủ muốn mua. Xin mời quẹo lựa”.

Bất giác có người soi đèn dầu ngay đôi chiếu cổ của Trơn. Đèn dầu hắt vào gương mặt Trơn một ánh nhìn quen thuộc. Cô gái tóc đen hỏi Trơn biết dệt áo choàng công chúa hay không? Cô gái có ánh mắt năm Trơn 14 đánh rơi ở bến sông Định Yên. Trơn bần thần. Ông chủ tịch nói với Trơn đây là giám đốc của dự án khôi phục chiếu Định Yên. Cô gái nhỏ này cũng người Định Yên. Cổ tên là Bông.

Chiếu được trải lên con đường quê. Gió xuân mơn trớn đồng cỏ lau. Gió len lỏi vào đêm họp chợ. Gió lóng ngóng đôi bàn tay của hai người vừa gặp lại. Bánh chín rồi. Chiếu cũng một đôi.

Theo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm