Tật khúc xạ và đặc biệt là tỷ lệ cận thị ở trẻ em đang gia tăng. Theo các nghiên cứu của chương trình mắt học đường thì ở thành phố tỷ lệ cận thị cao hơn.
Gia tăng trẻ bị tật khúc xạ
Tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam chiếm khoảng từ 15- 40%, tương ứng khoảng từ 14-36 triệu người mắc tật khúc xạ. Trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25- 40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng ba triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương vào những ngày mùa hè, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhân tới khám và trong số đó có gần một nửa là bệnh nhân mắc phải các tật khúc xạ về mắt, trong đó có cận thị học đường ở trẻ em. Có những gia đình cả hai bé đều bị cận thị được cha mẹ đưa đến kiểm tra.
BS.TS. Nguyễn Thị Thu Hiền -Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về nguyên nhân gây cận thị, nhưng chưa có tài liệu nào khẳng định đâu là nguyên nhân thực sự, chính xác gây ra cận thị.
Tuy nhiên, người ta có thể thấy có 2 nguyên nhân thường xuyên gây ra cận thị, đó là nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân môi trường nhìn. Nếu môi trường nhìn gần, thường xuyên thì sẽ dẫn đến cận thị.
Đặc biệt bác sĩ Hiền nhấn mạnh hiện nay nhiều học sinh sử dụng các thiết bị điện tử trong mọi nơi mọi chỗ, và có lẽ là vấn đề cốt yếu khiến tỷ lệ cận thị tăng cao.
Trong rất nhiều nghiên cứu của các địa phương cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị cận thị ở thành phố cao rất nhiều so với trẻ nông thôn và theo cấp bậc học. Việc nhìn gần quá tải, trong khi việc học sinh tham gia các hoạt động ngoài trời lại quá ít, do đó gây ra tình trạng cận thị nhiều ở trẻ em.
3 phương pháp để điều trị tật khúc xạ
Thứ nhất: Sử dụng kính gọng. Kính gọng an toàn, nhưng về thẩm mỹ lại hạn chế, bất tiện. Nhưng kính gọng là phương pháp điều trị không tốn kém nhiều, có thể lựa chọn cho bất kỳ lứa tuổi nào.
Thứ hai: Sử dụng kính tiếp xúc, được sử dụng khá phổ biển ở nước ta. Có loại kính tiếp xúc mềm để trị cận thị, và loại kính tiếp xúc cứng để trị tật loạn khúc xạ, và hiện nay còn có thêm loại kính tiếp xúc được thiết kế đặc biệt để chỉnh hình giác mạc.
Sử dụng kính này vào ban đêm để thay đổi hình dạng của giác mạc để ban ngày không cần sử dụng kính gọng mà vẫn đạt được thị lực tốt. Phương pháp này rất hiệu quả trong việc hạn chế phát triển cận thị cho các cháu nhỏ.
Thứ ba: Phẫu thuật để điều trị tật khúc xạ vĩnh viễn. Khi bệnh nhân trên 18 tuổi, cận thị trở nên ổn định và giác mạc trở nên đủ dày để có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bằng laser.
Trong trường hợp các cháu bị cận thị quá nặng, trên 10 đi ốp, bề mặt giác mạc quá dày không thể sử dụng phương pháp phẫu thuật laser, thì bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt kính vào bên trong mắt, phương pháp đặt kính nội nhãn.
Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ triệt tiêu được cái cận thị ở thời điểm hiện tại của bệnh nhân. Sau này, người bệnh có bị cận thị lại hay không thì các bác sĩ và máy móc không tính được.
Còn với các phương pháp như xoa bóp, bấm huyệt, tập nhìn tháo kính đều không có tác dụng chữa tật khúc xạ. Bác sĩ Hiền cho biết Bệnh viện Mắt Trung ương chưa có một nghiên cứu nào về vấn để phương pháp bấm huyệt, xoa bóp và tập mắt để chữa bệnh cận thị mắt.
Theo Cafef-Trithuctre