Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Tạo cơ chế để thu hút kiều hối đầu tư hạ tầng

Tạo cơ chế để thu hút kiều hối đầu tư hạ tầng

Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối từ nay đến năm 2030 (Đề án) của UBND TPHCM được đánh giá rất khả thi, có thể khơi thông nguồn lực vô cùng lớn, mở ra một bước phát triển đột phá cho TPHCM. Song, để triển khai được đề án này, trước hết cần bổ sung các cơ sở pháp lý.

Phần lớn chuyển qua đường tiểu ngạch

Là doanh nhân tại Mỹ, bà Lê Thị Mỹ Châu chia sẻ điều quan tâm đầu tiên là dòng tiền gửi từ nước ngoài về có thuận lợi, linh động và đảm bảo an toàn hay không. Bà Mỹ Châu cho biết, người làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc chuyển tiền, phần lớn không gửi được bằng đường chính thống. Trong khi đó, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, kể, vừa qua hội huy động được 45.000 đô la Australia để gửi về nước ủng hộ bà con bị ảnh hưởng bão lụt nhưng bị tính phí tới hơn 10%.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang hoàn thành bước cuối cùng để đưa vào khai thác. Ảnh: Hoàng Hùng

Thực tế là vậy, nhưng theo các doanh nhân thì so với 5 năm trước, dịch vụ chuyển nhận kiều hối hiện nay đã có bước tiến rất lớn. Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc điều hành Công ty kiều hối Vietcombank, cho biết, 5 năm trước phải mất 24-48 giờ tiền mới đến tay người nhận tận nhà thì nay thời gian này chỉ còn 6 tiếng với khu vực nội thành, 6-8 tiếng với khu vực khác. Nếu chuyển qua tài khoản thì chỉ mất 30 giây. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty kiều hối này nhìn nhận, vẫn còn thực trạng lượng lớn kiều hối chuyển về nước thông qua kênh tiểu ngạch.

Trong đề án về chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối từ nay đến năm 2030, TPHCM cũng đánh giá văn hóa sử dụng tiền mặt, cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngân hàng chưa thuận tiện nên một lượng kiều hối vẫn chuyển thông qua kênh không chính thức, khiến khó thống kê chính xác lượng kiều hối thực tế để định hướng nguồn vốn này vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, Đề án cũng đặt mục tiêu kiều hối về TPHCM dịch chuyển sang kênh chính ngạch thông qua ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, công ty chi trả kiều hối. Đồng thời, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các dự án tại TPHCM.

Phát hành trái phiếu làm metro

“Với sức của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao, thậm chí là làm được những dự án hàng trăm tỷ đô la Mỹ”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã phát biểu trong buổi đối thoại với đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM mới đây, nhằm kêu gọi người dân hãy mua trái phiếu để đóng góp kinh phí làm 183km đường sắt đô thị. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, bà con gửi tiền vào ngân hàng có thể cho lãi suất cao hơn, nhưng mua trái phiếu là cùng đóng góp xây dựng thành phố. Đây là một trong những giải pháp đột phá, giúp huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM được cơ chế cho phép phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và mong người dân mua, cùng đóng góp kinh phí để triển khai. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội… Từ đó, thành phố sẽ có nguồn kinh phí tốt để trả lại lợi ích cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án nói trên, một trong những giải pháp mà NHNN chi nhánh TPHCM tập trung mạnh là phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ chi trả, chuyển tiền, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn và các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng đẩy mạnh truyền thông để người dân, người thụ hưởng nắm bắt rõ thông tin và vấn đề liên quan đến kiều hối. Đây là vấn đề không mới, song phải làm thường xuyên, trách nhiệm và hành động cụ thể, thiết thực.

“Nếu làm tốt công tác này, người dân không chỉ sử dụng dịch vụ kiều hối thuận lợi mà còn có được hiệu quả cao nhất từ nguồn kiều hối nhận được thông qua các hoạt động: đưa vào sản xuất kinh doanh; gửi tiết kiệm hay đầu tư trái phiếu… Từ đó, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối, tập trung nguồn lực kiều hối để sử dụng vào những chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhận xét.

Nên có lãi suất khi đầu tư vào dự án

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lượng kiều hối về Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất. Bên cạnh đó, những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 đã gỡ bỏ rào cản pháp lý cũng như khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng cho Việt kiều, từ đó sẽ gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho Việt kiều tại Việt Nam. Qua đó, thị trường bất động sản cũng kỳ vọng sẽ là lực kéo nguồn kiều hối mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện Việt Nam còn thiếu các chính sách khuyến khích đặc thù cho đầu tư từ kiều bào, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như sản xuất, y tế, giáo dục, công nghệ cao, hay khởi nghiệp để có thể tạo ra những cú hích lớn cho nền kinh tế. Do đó, Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm tài chính như quỹ đầu tư kiều hối, trái phiếu kiều bào.

Theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM nên có chính sách để hút kiều hối vào công trình cụ thể. Ví dụ, hiện nay việc đầu tư một số công trình hạ tầng thì phải vay vốn nước ngoài hết sức khó khăn. Nhưng với công trình đó, kêu gọi dòng đầu tư từ kiều hối và cộng với lãi suất tương tự, chắc chắn sẽ huy động được số vốn khá lớn.

TS Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT Việt Nam) nhấn mạnh, cần có chính sách để “nắn” dòng kiều hối vào những lĩnh vực chiến lược. Ở nhiều nước trên thế giới, kiều hối đã được chuyển thành công vào nhiều lĩnh vực không chỉ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư, mà còn đóng góp rất lớn cho phát triển cộng đồng địa phương. Chẳng hạn, Israel đã rất thành công với chương trình trái phiếu, huy động được hàng tỷ USD để đầu tư phát triển, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng. Tương tự, Ấn Độ cũng rất thành công khi phát hành trái phiếu khôi phục Ấn Độ, trái phiếu phát triển Ấn Độ để huy động tiền tiết kiệm của những người Ấn Độ không thường trú trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

“Bài học từ các nước trên thế giới cho thấy, việc “nắn” dòng kiều hối vào các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng, sản xuất, y tế, giáo dục, công nghệ cao… sẽ tạo ra những cú hích lớn cho nền kinh tế”, TS Bùi Duy Tùng khẳng định.

Nhiều dự án ODA gặp khó

Phát triển hạ tầng là vấn đề cấp thiết hiện nay của TPHCM, được xác định là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở TPHCM phát triển đúng tiềm năng đầu tàu kinh tế của cả nước. Để phát triển hạ tầng, ngoài nguồn vốn đầu tư công có hạn thì vốn ODA cũng là một nguồn lực không nhỏ nhưng nguồn vốn này thực tế cho thấy không dễ dàng triển khai.

Hiện tại, TPHCM đang triển khai 5 dự án hạ tầng sử dụng nguồn vốn ODA, với tổng vốn đầu tư hơn 114.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, số vốn ODA đã giải ngân chỉ đạt 18,43% kế hoạch vốn năm. Các dự án triển khai đều gặp khó khăn do vướng mắc về thẩm quyền, chờ trung ương hướng dẫn, giải quyết, như dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực kênh Tham Lương – Bến Cát; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn; dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2.

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT TPHCM, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số dự án còn chưa cao, một phần nguyên nhân liên quan đến quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định pháp luật còn phức tạp; thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay còn mất nhiều thời gian. Việc chưa thống nhất giữa chủ dự án và nhà thầu về những khác biệt trong cách hiểu tại một số điều khoản hợp đồng, quy định của nhà tài trợ cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các chương trình, dự án…

Theo Sài Gòn giải phóng

Có thể bạn quan tâm