Về trang chủ Văn hóa Du lịch Tăng visa 90 ngày có thể chạm mốc 8 triệu lượt khách quốc tế

Tăng visa 90 ngày có thể chạm mốc 8 triệu lượt khách quốc tế

Nếu Quốc hội thông qua những chính sách mới về thị thực trong Kì họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thay đổi này có thể thúc đẩy ngành du lịch nhanh chóng đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.
Khách du lịch quốc tế tham quan cầu Thê Húc, hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: hải nguyễn

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam của Chính phủ trình Quốc hội có đề xuất tác động đến ngành du lịch Việt Nam. Đó là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày. Đặc biệt là kéo dài thời hạn e-visa cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Bên cạnh đó là chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ.

Cú hích visa, du lịch có thể phục hồi nhanh hơn dự kiến

Visa chính là cánh cửa đầu tiên mở ra đón khách quốc tế đến. Chính sách visa cởi mở vốn là điều doanh nghiệp du lịch, lữ hành mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi ảnh hưởng hậu COVID-19.

Nếu thay đổi này được thông qua sớm khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tối đa 3 tháng, thoải mái kết hợp hành trình du lịch các nước khác sau đó quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.

Ông Phạm Hà – Chủ tịch LUX Group – cho rằng, chính sách visa cởi mở là động lực cho ngành du lịch và thời hạn lưu trú của khách quốc tế nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ không quá 15 ngày lên không quá 45 ngày là một bước đột phá.

Theo ông Hà, điều quan trọng nhất là những thay đổi về chính sách visa cần được thông qua sớm. “Nếu visa thông thoáng được thông qua từ tháng 5 như đề xuất và có hiệu lực ngay, Việt Nam có thể chuẩn bị rất nhiều để xúc tiến cho mùa cao điểm khách quốc tế sắp tới vào tháng 9” – ông Hà nói.

“Nếu thuận lợi, ngành du lịch có khả năng phục hồi nhanh hơn dự kiến, báo cáo cho thấy có thể đạt đến 80 – 90% so với 2019”.

Trong bối cảnh thị trường du lịch đang nỗ lực phục hồi hậu COVID-19 và đối mặt với tình trạng lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng làm giảm sức chi, ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours – nhìn nhận rằng, chính sách cởi mở về visa là cơ sở tạo giá trị cạnh tranh cho Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.

Cốt lõi nằm ở chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nhân lực

Dù đề xuất tăng thời hạn thị thực lên 90 ngày được đánh giá là cú hích cho thị trường inbound của Việt Nam, các chuyên gia trong ngành tin rằng chính sách này không thể thay đổi toàn bộ bối cảnh du lịch Việt Nam.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) nhấn mạnh visa chỉ là một trong những yếu tố thúc đẩy khách du lịch. Việc chính sách này thực sự có tác động đến đâu phải đợi thêm thời gian.

“Quan trọng là thúc đẩy công tác xúc tiến thị trường cho phù hợp với tình hình hiện tại của du lịch Việt Nam và thế giới, cũng như như làm sao để có những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn” – ông Thắng trả lời Lao Động.

Chung quan điểm, PGS. TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra rằng, cốt lõi của một điểm đến quan trọng nhất ở chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, sản phẩm. “Chúng ta phải có cái gì để thu hút khách du lịch đến và giữ chân họ. Điều đó phụ thuộc vào sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam Ngoài kích cầu, ngành du lịch cần chiến lược xúc tiến quảng bá, truyền thông đa phương tiện. Nhưng cốt lõi nằm ở chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nhân lực” – ông Long nói.

Trong khi chờ đợi những thay đổi về chính sách visa, ngành du lịch cần xây dựng sản phẩm hấp dẫn, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, công tác quản lí, chất lượng nhân sự… Một khi những yếu tố nền tảng này được đảm bảo, ngành du lịch hoàn toàn có thể nhanh chóng bứt tốc đón khách quốc tế năm 2023.

Visa là một trong những nội dung quan trọng được nhắc đến trong Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành ngày 18.5 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Theo đó, về phía Bộ Công an, tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa). Đánh giá, tổng kết chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện được cấp thị thực điện tử để báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp thị thực điện tử và thị thực truyền thống và kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Theo Báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm