Về trang chủ Chưa được phân loại Tân Hồng Uy: Lấy đất đã bán cho khách hàng đem thế chấp ngân hàng

Tân Hồng Uy: Lấy đất đã bán cho khách hàng đem thế chấp ngân hàng

Nhiều cư dân mua đất nền dự án khu nhà ở ven sông phường Bình An, Q.2 (TP.HCM) xây nhà ở ổn định bất ngờ bị ngân hàng kê biên, ngăn chặn chuyển dịch do chủ đầu tư đã mang đất của họ thế chấp ngân hàng.

Những ngày qua, nhiều cư dân dự án này phải lao đao liên hệ Tòa án Q.Bình Thạnh và nhiều cơ quan chức năng khi bất ngờ vướng vào tố tụng giữa chủ đầu tư và Ngân hàng BIDV. Các nền đất dù đã bán cho cư dân từ lâu nhưng ngân hàng vẫn nhận thế chấp của chủ đầu tư là Công ty TNHH TM – XD – KD nhà Tân Hồng Uy và kiện công ty này thực hiện cam kết bảo lãnh khoản vay.

Chặn xây dựng, chuyển dịch
Tháng 6-2018, ông Nguyễn Duy Danh (P.Bình An, Q.2) mua lô số 7, mọi thủ tục pháp lý đầy đủ, hợp lệ và tiến hành xây nhà. Đang xây dựng, ông Danh bất ngờ nhận được quyết định dừng thi công của Sở Xây dựng TP.HCM từ đề nghị của BIDV yêu cầu khách hàng dừng thi công trên tài sản đang thế chấp.

Khu dân cư Tân Hồng Uy, P. Bình An, Q.2 hiện chưa có sổ hồng.

Đồng thời, ngày 24-2-2019, Chi cục Thi hành án dân sự Q.Bình Thạnh thi hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu Công ty Tân Hồng Uy cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. “Dù đang thế chấp đất dự án từ tháng 10-2015 nhưng ông Đinh Hồng Hải, giám đốc Công ty Tân Hồng Uy, vẫn bán đất cho tôi. Giờ tài sản, tiền bạc tôi thanh toán hết giá trị đất nhưng không thể xây nhà, hai vợ chồng phải thuê nhà để ở…” -ông Danh nói.

Tương tự, bà Hoàng Anh (62 tuổi, Q.1) cho biết gia đình bà bán nhà ở Q.1, mua đất dự án ven sông từ năm 2008 cất nhà để ở. Hơn 10 năm rồi, chủ đầu tư vẫn chưa tách sổ khiến gia đình không thể làm sổ hộ khẩu, nhà không có số, con cháu cũng không được học trường công.

“Ở không có hộ khẩu nên nhiều quyền lợi của người dân không có. Giờ chủ đầu tư còn mang đất của cư dân đi thế chấp, tôi rất hoang mang” – bà Hoàng Anh chia sẻ. Nhóm cư dân lâu năm ở dự án phát hiện chủ đầu tư thế chấp 15 lô đất dự án từ tháng 4-2018 và đã có cuộc đối chất với ông Đinh Hồng Hải để giải quyết.

“Ông Hải hứa sẽ trả nợ ngân hàng, sớm hoàn thành hồ sơ cho khách hàng, tuy nhiên đến tháng 3-2019 công ty vẫn chưa trả nợ xong…” – ông Bình, một cư dân, cho hay.

Nhận thế chấp không thẩm định là sai
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Hồng Hải xác nhận việc công ty đã mang giấy tờ của 15 lô đất dự án ven sông phường Bình An đi thế chấp cho BIDV. “Tôi đã có đơn kiến nghị BIDV giảm 5% lãi suất, khi đó tôi sẽ thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Mong cư dân đợi thêm thời gian, sau khi trả hết nợ ngân hàng, lấy giấy tờ về tôi sẽ làm hồ sơ tách sổ cho người dân” -ông Hải khẳng định.

Đại diện BIDV cho rằng chỉ nhận thế chấp tài sản là “quyền sử dụng đất ở đô thị” của dự án nhà ở Tân Hồng Uy bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của CTCP Otran miền Nam phát sinh tại BIDV. Công ty Tân Hồng Uy được quyền thế chấp “quyền sử dụng đất ở đô thị” tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 174 Luật đất đai năm 2013.

Ngôi nhà đang xây dở dang của cư dân mua đất dự án Tân Hồng Uy bị ngân hàng kiến nghị Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu dừng thi công.

Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng với Công ty Tân Hồng Uy được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo tại Phòng đăng ký đất đai TP.HCM. BIDV cho rằng việc nhận thế chấp tài sản trên là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng BIDV trả lời như vậy là mới nói về điều kiện của tài sản được phép thế chấp nhưng đúng sai trong quy trình cho vay, nhận thế chấp tài sản thì ngân hàng không nhắc tới.

Theo quy định, trước khi cho vay ngân hàng phải thực hiện bước thẩm định giá, được ghi hình, lập biên bản. “Ngân hàng bỏ qua bước thẩm định giá tài sản là ngân hàng đã sai quy trình. Vì nếu ngân hàng đi thẩm định thì đã phát hiện đất thế chấp đã được cư dân mua, xây dựng” -luật sư Nghị nói.

Một lãnh đạo tòa dân sự Tòa án nhân dân TP.HCM cũng cho rằng chủ đầu tư muốn thế chấp quyền sử dụng đất mà đã bán cho cư dân thì phải được sự đồng ý của cư dân bằng văn bản, còn nếu không có sự đồng ý thì chủ đầu tư đã làm sai quy định.

Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản là đất đai, tòa án phải kiểm tra thực tế, đo đạc, thẩm định tại chỗ, đồng thời đưa tất cả các bên có liên quan đến tài sản tham gia tố tụng để bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Tòa từng kháng nghị vụ việc tương tự
Mới đây, phó chánh án TAND cấp cao Nguyễn Hữu Trí đã ra quyết định kháng nghị toàn bộ quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND Q.1 về vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng Agribank, bị đơn là CTCP du lịch Đ. và Công ty TNHH DV-TV Thanh Bình.

Sai sót được chỉ ra là khi giải quyết vụ án, TAND Q.1 đã không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp bảo lãnh nên không phát hiện việc đất đã được chủ đầu tư bán cho các cư dân để đưa những cư dân trên tham gia tố tụng và giải quyết quyền lợi của họ.

Như vậy là bỏ sót người tham gia tố tụng, dẫn đến khó khăn trong công tác thi hành án. Vì vậy, cần kháng nghị hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận nêu trên để xét xử lại. Quyết định kháng nghị đã đề nghị ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự để xét xử lại.

Đây là vụ việc Tuổi Trẻ đã thông tin trong bài “Mua đất hợp pháp vẫn có nguy cơ mất trắng” (số ngày 5-10-2018), hàng chục hộ dân thuộc khu biệt thự – du lịch Thanh Bình, P.10, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bị chủ đầu tư dùng các lô đất đã bán cho cư dân thế chấp cho Agribank để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Đ.. Sau đó, Agribank kiện ra TAND Q.1 (TP.HCM).

Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Thanh Bình thỏa thuận chấp nhận cho Agribank được xử lý đất thế chấp và TAND Q.1 đã công nhận sự thỏa thuận.
Theo TTO

Đại Dương: Bị kiến nghị xử phạt 275 triệu vì bán dự án Valencia Riverside

DIC: Dự án trung tâm đô thị Chí Linh khéo dài 22 năm, khách hàng bức xúc

DIC: Dự án trung tâm đô thị Chí Linh khéo dài 22 năm, khách hàng bức xúc

Việt-Trung: Ký văn kiện hợp tác nông nghiệp, sữa và măng cụt xuất chính ngạch

Có thể bạn quan tâm