Sau loạt bài đăng tải trên Tạp chí Hợp tác và Phát triển phân tích về tính bất minh trong việc chọn nhà thầu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến nay cơ quan chức năng và đại diện EVN vẫn chưa đưa ra bất kỳ câu trả lời nào. Việc xử lý chậm trễ hay “ngó lơ” sẽ gây tổn thất rất lớn về tài chính cho ngân sách Nhà nước khi tập đoàn EVN đang bắt tay với nhà thầu kém chất lượng.
EVN có “thông đồng” với NRI để trục lợi?
Thật không thể tin được nhà thầu đang nợ 4 tỷ đô la Mỹ – Noble Resources International Pte Ltd (Noble Singapore, viết tắt NRI), lại là sự lựa chọn tối ưu của EVN. Bởi lẽ, đang trên bờ vực phá sản, NRI gần như hết thuốc cứu chữa nhưng điều “thần kỳ” là công ty này lại trúng ngay gói thầu quan trọng của EVN, cung cấp 1,2 triệu tấn than cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng.
Giới chuyên môn rất bất ngờ và đặt ra hàng loạt nghi vấn. Tại sao EVN lại chọn nhà thầu “sắp chết” để hợp tác? Hồ sơ báo cáo tài chính sao chỉ có các năm 2015, 2016, 2017. Vậy năm 2018 bỏ đi đâu, trong khi năm 2018, công ty NRI đang lỗ thậm tệ? Hay chính EVN biết được NRI “sắp chết” nhưng vẫn “ngó lơ”hợp tác để trục lợi bất chính?
Khi EVN chọn nhà thầu không đủ năng lực tài chính như NRI để hợp tác thì việc hủy thầu có nguy cơ lớn xảy ra. Công ty NRI chỉ còn sở hữu 20% giá trị vốn hóa, phần còn lại thuộc về các chủ nợ, buộc phải tái cấu trúc, nhân viên chán nản, liên tục nộp đơn nghỉ việc. Một công ty không còn sức sống thì lấy đâu ra năng lực để cạnh tranh? Lấy gì đảm bảo gói thầu cung cấp tới 1,2 triệu tấn than sẽ được thực hiện?
Theo nhiều chuyên gia, đây là gói thầu quốc tế giai đoạn 02 cung cấp than vận hành hai nhà máy điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng. Gói thầu này rất quan trọng, quyết định đến việc hai nhà máy trên có đảm bảo lượng điện năng để cung cấp cho khu vực phía Nam hay không? Công ty đang “giẫy chết” NRI lại nằm ngay vào danh sách nhà thầu ngắn của EVN. Chỉ các nhà thầu trúng tuyển vào danh sách ngắn mới được tham gia vòng chào giá cho từng gói thầu theo yêu cầu chào giá của EVN. Đây là lý do trong suốt từ năm 2018 đến tháng 1 năm 2020 không hề có nhà thầu mới nào được tham gia chào giá cung cấp than cho EVN. Một câu hỏi về tính minh bạch của nhà thầu mà EVN chưa thể giải đáp được?
Các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý các vi phạm trong đấu thầu hoặc thờ ơ, hoặc né tránh trước các sai phạm là vì có sự nể nang, “lợi ích nhóm”. Số tiền bỏ ra mua 1,2 triệu tấn than là hoàn toàn không nhỏ, nếu cứ im lặng mà cho qua thì tiền trong ngân sách tiếp tục chui vào những chiếc túi bất chính.
EVN chọn thầu thì dễ nhưng hủy lại khó
Hủy thầu là việc làm rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ, vì khi vi phạm gói thầu thì doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều thiệt hại về cả pháp lý lẫn tài chính. Mặc dù trong Luật Đấu thầu chỉ quy định 4 trường hợp được hủy thầu nhưng thực tế có nhiều trường hợp mà nguyên nhân hủy thầu đến từ chính sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm, thậm chí là tùy tiện của bên mời thầu, đến từ quá trình thẩm định hồ sơ.
Theo quy định tại Khoản 12, Điều 4 của Luật Đấu Thầu thì khi “Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì có thể hủy thầu”. Nhưng trong gói thầu NH2020-VT0 do ông Vũ Thanh Tùng – Giám đốc Ban CTI-EVN, ký ngày 19/7/2018, về việc mua 1,2 triệu tấn than nhập khẩu để vận hành thương mại các nhà máy nhiệt Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng thì có nhiều nhà thầu hoàn toàn đủ năng lực như SEUK và GLENCORE.
Hoặc “Có bằng chứng về việc đưa hối lộ môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu”. Nếu lấy lý do này thì tập đoàn mẹ EVN phải chọn ra một “đứa con” nào đó gánh chịu thay.
Bởi lẽ, nếu EVN trực tiếp nhận tội thì rất nhiều lãnh đạo có tên tuổi trong ngành bị liên lụy, các khoản tiền bất minh sẽ bị phanh phui. Nên rất có thể các chuyên gia của EVN sẽ chọn ra một “người thế thân” để đứng ra dọn bãi chiến trường nhằm bớt đi tai tiếng đến công ty mẹ và các nhân vật lãnh đạo. Sau khi đã tìm được “người thế thân”, EVN cũng sẽ tìm thêm đủ mọi cách để làm “giảm nhẹ câu chuyện”, để cả hai bên cùng có lợi hoặc “thiệt hại không lớn”.
Chia sẻ thêm về việc huỷ gói thầu 1,2 triệu tấn than giữa EVN và NRI, các chuyên gia kiến nghị rằng: EVN không thể huỷ kết quả gói thầu này vì lý do huỷ duy nhất là NRI gian lận hồ sơ báo cáo kiểm toán trong giai đoạn sơ tuyển, nếu huỷ thì phải huỷ kết quả gói sơ tuyển. Trong khi đó, kể từ lúc có kết quả sơ tuyển các nhà thầu vào danh sách ngắn thì EVN đã mở rất nhiều gói thầu cung cấp than từ kết quả của danh sách ngắn này, và các nhà thầu trúng thầu thậm chí đã thực hiện xong các nghĩa vụ.
Giải pháp tốt nhất là tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng của NRI, phạt thiệt hại nếu có, đưa NRI vào danh sách đen và cấm đấu thầu tại Việt Nam, thậm chí phải xử lý hình sự khi Cơ quan An ninh điều tra công bố kết quả đúng sai. Ngay lập tức mời nhà thầu đứng thứ 2 thương lượng hợp đồng và cung cấp than cho EVN. Mọi chi phí phát sinh và thiệt hại nếu có, EVN hoàn toàn có quyền khởi kiện NRI theo đúng luật đấu thầu và hợp đồng.
Hậu quả ra sao nếu EVN hủy thầu?
Việc hủy thầu là quyết định của bên mời thầu. Theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 của Luật Đấu thầu thì bên mời thầu phải có trách nhiệm đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, nếu việc hủy thầu, làm chậm tiến độ của gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước thì còn phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và các pháp luật khác để xem xét, xử lý. Số tiền mà EVN phải bồi thường chắc chắn không hề nhỏ. Một lần nữa, ngân sách quốc gia lại bị thiệt hại chỉ vì sự cẩu thả không chấp nhận được trong việc chọn nhà thầu. Nhiều cá nhân có liên quan cũng sẽ bị xử lý thích đáng để lấy lại lòng tin trong nhân dân.
Việc nhà thầu cố ý trình bày sai, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ đấu thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Nhà thầu có các hành vi gian lận này thì bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm căn cứ Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Như vậy, NRI ngay từ đầu đã cố tình che giấu thông tin tài chính để lần lượt qua cửa của EVN. Dù có nhận biết được điều này hay không thì EVN vẫn có lỗi.
Hai nhà máy Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng, gần như mất hết khả năng vận hành vì nguồn than không đảm bảo. Khu vực phía Nam không đủ năng lượng để phục vụ sản xuất, kinh doanh kìm hãm quá trình phát triển kinh tế. Chỉ vì sự vụng về của một doanh nghiệp mà khiến Đất nước gánh lấy nhiều hậu quả.
Toàn bộ tài liệu báo cáo kiểm toán từ 2015-2018 của NRI, cùng các thông cáo của Chính phủ Singapore về kết luận điều tra gian lận và khoản lỗ khổng lồ của NRI và Tập đoàn mẹ Noble Group đã được chúng tôi gửi cho Cơ quan An ninh Kinh tế BCA (A04) và kiến nghị Cơ quan An ninh này khẩn cấp vào cuộc, nhằm ngăn chặn các thiệt hại phát sinh cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo sự công bằng cho các nhà thầu.
Nguồn Hợp tác và Phát triển