Về trang chủ Xã hội Pháp luật Sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Làm rõ quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Làm rõ quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Để tránh rủi ro chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam, góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), VCCI đề nghị bổ sung quy định về thu nhập từ chuyển nhượng vốn…

Theo đó, Dự thảo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính công bố tháng 6 vừa qua để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đáng nói, một trong những thay đổi nhận được sự quan tâm trong Dự thảo Luật (sửa đổi) đó là sự điều chỉnh về cơ sở tính thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn tại Việt Nam của các nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài nắm giữ vốn trực tiếp hoặc gián tiếp trong các công ty cổ phần phi đại chúng và công ty TNHH tại Việt Nam.

Dự thảo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính công bố tháng 6 vừa qua để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp – Ảnh minh họa

Cụ thể, về chuyển nhượng vốn trực tiếp, luật hiện hành quy định, bên chuyển nhượng vốn chịu thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế. Thu nhập tính thuế được tính bằng giá chuyển nhượng trừ giá vốn của phần vốn bị chuyển nhượng (vốn góp hoặc giá mua lại từ bên thứ 3). Ví dụ, nếu vốn được mua với giá $70 và chuyển nhượng với giá $100, thuế phải nộp sẽ được tính như sau: ($100 – $70) x 20% = $6, khi bên nhận chuyển nhượng phần vốn này trong tương lai, $100 sẽ là giá vốn của phần vốn bị chuyển nhượng để tính thu nhập tính thuế chuyển nhượng vốn trong giao dịch này.

Còn tại Dự thảo Luật (sửa đổi), quy định này được đề xuất, bên chuyển nhượng vốn chịu thuế theo thuế suất 2% trên doanh thu gộp. Ví dụ, nếu vốn được mua với giá $70 và chuyển nhượng với giá $100, thuế phải nộp sẽ được tính như sau: $100 x 2% = $2. Khi bên nhận chuyển nhượng phần vốn này trong tương lai, thuế chuyển nhượng vốn sẽ được tính theo thuế suất 2% trên tổng giá chuyển nhượng mà không tính đến giá mua ban đầu của phần vốn bị chuyển nhượng. Có nghĩa, kể cả trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng vốn theo giá thấp hơn giá mua của phần vốn bị chuyển nhượng, bên chuyển nhượng vốn vẫn phải chịu thuế đối với giao dịch này.

Không chỉ có vậy, về chuyển nhượng vốn gián tiếp (giao dịch chuyển nhượng vốn của một tổ chức tại nước ngoài mà tổ chức này có sở hữu vốn tại một hoặc nhiều công ty con tại Việt Nam), Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đề xuất quy định theo hướng, “bên chuyển nhượng vốn sẽ chịu thuế theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng được tính phân bổ cho công ty con/ các công ty con tại Việt Nam”.

Nhiều ý kiến đề xuất, bổ sung quy định về thu nhập từ chuyển nhượng vốn - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến đề xuất, bổ sung, làm rõ quy định về thu nhập từ chuyển nhượng vốn – Ảnh minh họa

Nhìn nhận về các nội dung đề xuất đã nêu, một số ý kiến cho rằng, đây là sự thay đổi tích cực khi Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định một cách tính thuế đơn giản và rõ ràng hơn, đặc biệt là đối với giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp. Quy định này sẽ giúp giải quyết các bất đồng lớn liên quan đến cách tính thu nhập tính thuế đối với giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp có nhiều tầng trong cấu trúc sở hữu vốn của tập đoàn. Nếu quy định mới này được thông qua, nhiều vấn đề phức tạp hiện nay liên quan đến cách tính thuế chuyển nhượng vốn theo luật hiện hành sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, ở góc độ khác thì việc thay đổi như đề xuất sẽ làm tăng chi phí thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn chỉ nhằm mục đích tái cấu trúc tập đoàn và/hoặc các giao dịch chuyển nhượng bị lỗ.

Chưa kể, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng được cho chưa đề cập định nghĩa cụ thể về chuyển nhượng vốn gián tiếp cũng như những trường hợp ngoại trừ hợp lý được áp dụng đối với các giao dịch chuyển nhượng phần vốn tại nước ngoài. Ví dụ, các trường hợp loại trừ đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hay các giao dịch chuyển nhượng vốn cho mục đích tái cấu trúc nội bộ. Do đó, các chuyên gia đề xuất, quy định này cần được xem xét, bổ sung làm rõ.

Liên quan đến các quy định đã nêu, tại văn bản góp ý xây dựng Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Điều 11.2.i của Dự thảo quy định doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, đối với doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản thuế suất là 2%. Quy định này được thuyết minh là do việc xác định chi phí tạo ra doanh thu quá khó khăn, không có cơ sở, nên khó xác định lợi nhuận để tính thuế. Quy định này áp dụng cho cả các trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, tức là vốn của các công ty mẹ, công ty bà… qua nhiều cấp khác nhau.

Theo VCCI, trên thực tế, đúng là có nhiều trường hợp rất khó xác định chi phí khi doanh nghiệp tại nước ngoài có giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với trường hợp giao dịch chuyển nhượng vốn của các khoản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì việc xác định chi phí tương đối dễ dàng. Các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ quy định về góp vốn, sử dụng tài khoản vốn DICA để quản lý ngoại hối.

“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phân loại các trường hợp có thể và không thể xác định chi phí trong giao dịch chuyển nhượng vốn để có chính sách thuế cho phù hợp”, VCCI góp ý.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp chuyển nhượng vốn gián tiếp, VCCI cho rằng, hiện nay chưa có quy định rõ ràng. Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất thì chuyển nhượng vốn gián tiếp bao gồm mọi giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của mọi công ty mẹ, công ty bà, công ty cụ… có sở hữu dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhưng nếu hiểu như vậy thì sẽ có rất nhiều các giao dịch phải nộp thuế và việc kê khai, nộp thuế và kiểm tra, truy thu là không khả thi. Do không có quy định rõ ràng nên làm tăng rủi ro chính sách đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam.

Từ các vấn đề nêu trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm