Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển, cho phép HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.
Theo đó, HĐND TP.HCM có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm (ATTP) trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM từ Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương cho Sở An toàn thực phẩm.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm, cho hay: “Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục những gì đang làm, nhưng sẽ rà soát lại tất cả, đặc biệt là mô hình tổ chức, cùng với đó là sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm bài bản nhất. Vì Nghị quyết 98 chỉ giúp hợp thức hóa về mặt mô hình, quyền hạn và pháp lý, nhưng chưa quy định về mặt luật ATTP hay chế độ lương có gì thay đổi. Chúng tôi đang rất khẩn trương sắp xếp lại bộ máy nhưng không tăng biên chế, vẫn theo khung của các sở”.
Đang lập đề án chi tiết
Khi nào TP.HCM có Sở ATTP, thưa bà?
HĐND TP.HCM sẽ ra quyết định thành lập Sở ATTP trên cơ sở tờ trình của UBND TP.HCM. Vì vậy, hiện Ban Quản lý ATTP đang khẩn trương lập đề án chi tiết quy chế, cơ chế Sở ATTP.
Nhân lực để Sở vận hành bộ máy, được tính toán như thế nào, thưa bà?
Nhân lực của Ban Quản lý ATTP ban đầu của 3 Sở (Y tế, NN-PTNT, Công thương) nhập lại là 468 biên chế. Hiện số người thực sự làm việc còn lại là 381, do nghỉ hưu, nghỉ việc… Trong những năm qua TP.HCM tuyển dụng rất ít, chỉ mới có đợt tuyển dụng năm 2018, nên lực lượng mới bổ sung không kịp. Bản thân ban cũng bị cắt biên chế khi chuyển đổi viên chức thành công chức. Nên ban đề xuất giữ nguyên biên chế như lúc đầu lập ban, bởi có nhiều công việc cần thiết cần người để làm.
Bà có thể nói rõ hơn về “nhiều công việc cần thiết cần người để làm”?
Ví dụ như hiện nay, về hồ sơ công bố sản phẩm thì doanh nghiệp tự công bố, tức doanh nghiệp đáp ứng hồ sơ đầy đủ và gửi cho cơ quan quản lý để đưa lên mạng. Còn nhiệm vụ cơ quan quản lý là hậu kiểm. Ở TP.HCM thì số hồ sơ này từ 2018 đến nay lên hơn 200.000 sản phẩm. Như vậy, nếu hậu kiểm tất cả thì lực lượng không đủ. Còn không hậu kiểm thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, rất khó khăn.
Nhưng ban cũng linh động, chia ra các nhóm sản phẩm, ưu tiên tập trung kiểm tra nhóm nguy cơ. Nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề.
Phân quyền chủ động
Vậy với Sở ATTP thì còn lĩnh vực nào mà 3 ngành phải bàn giao lại cho Sở ATTP hay cho sở ngành khác không, thưa bà?
Khi lập ban thì 3 sở đã bàn giao rồi, cũng phân công phân nhiệm. Còn một số lĩnh vực chúng tôi đã đề xuất UBND TP.HCM nhưng chưa được phân công triệt để hết. Chúng tôi đề xuất những trường hợp thuộc về doanh nghiệp, công ty thì do Ban ATTP cấp phép giấy đủ điều kiện ATTP. Còn những hộ kinh doanh cá thể thì do quận, huyện cấp thì đã tiến hành. Đến nay chỉ mới cho phép phân cấp trong lĩnh vực y tế, còn lĩnh vực công thương và nông nghiệp thì chưa phân cấp được như vậy và tới đây là Sở phải cấp hết.
Bà còn băn khoăn điều gì khi Sở ATTP đi vào hoạt động?
Công tác thanh tra hiện nay cũng còn nhiều băn khoăn. Hiện là thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Nhưng thanh tra theo kế hoạch có hạn chế là mỗi cơ sở chỉ thanh tra tối đa 1 lần trong năm, dẫn đến tư tưởng đã kiểm tra rồi thì cả năm thả cửa. Chưa kể là cách thanh tra phải lập danh sách, kế hoạch, gửi công văn cho cơ sở được thanh tra. Cho nên đừng ngạc nhiên là đa số các vụ thanh tra không phát hiện được gì…
Còn thanh tra đột xuất đâu phải lúc nào cũng được, phải có khiếu nại, tố cáo… và phải giải trình cho Thanh tra TP.HCM là tại sao thanh tra đột xuất cơ sở này, cơ sở kia.
Rõ ràng cách làm thanh tra chưa gì đã lo sợ đội ngũ của mình làm sai. Trong khi đó, cái chính là hiệu quả của công tác thanh tra, còn đội ngũ sai hay không là do cách quản lý. Tức phải luân chuyển, theo dõi, có hình thức đi kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên đội ngũ của mình và lắng nghe các ý kiến phản ánh. Nhưng cần thay đổi việc thanh tra vì thanh tra không phải lúc nào cũng phải theo kế hoạch, phải báo trước. Các nước cũng làm như vậy và làm tốt.
Ngoài ra, về lương, thưởng cho nhân viên thuộc quyền Ban hay Sở ATTP cũng cần thay đổi có hướng tốt hơn, để cán bộ nhân viên yên tâm làm việc, làm việc tốt hơn. Cho đơn vị quyền được thu hút nhân tài…
Nhiều thách thức cần hóa giải
Theo bà, pháp luật về ATTP hiện hành đã đủ để Sở ATTP hoạt động tốt?
Có 3 vấn đề khó khăn chính trong công tác đảm bảo ATTP. Thứ nhất thuộc về quy định pháp luật, bởi luật ATTP có chồng chéo cần bàn giữa các bộ ngành. Chỉ nói riêng kháng sinh thì bộ này cấm, bộ kia cho. Có những kháng sinh, hóa chất Bộ NN-PTNT cấm hoàn toàn trong suốt quá trình trồng trọt – chăn nuôi, còn Bộ Y tế thì cho phép ở mức giới hạn. Nên dù là Ban hay Sở ATTP thì chúng tôi cũng sẽ tham mưu, đề xuất nhanh chóng để sửa các quy định cho phù hợp.
Thứ hai, chúng ta xuất phát từ nền sản xuất, kinh doanh, phân phối manh mún, nhỏ lẻ nên khó quản hơn việc sản xuất lớn với một đầu mối và chỉ phân phối qua hệ thống siêu thị như các nước tiên tiến. Nhưng với Sở ATTP thì đi kiểm tra sẽ có thể mạnh hơn.
Thứ ba, trước đây, khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về ATTP trong xử lý ngộ độc, xử lý thông tin thì đùn đẩy nhau. Phản ứng trước các thực trạng thì chậm. Do đó, Sở ATTP sẽ giải quyết được việc này. Sở sẽ tiếp tục làm những gì ban đặt ra và làm ở cấp độ cao hơn, hiệu quả tốt hơn.
Có một vấn đề quan trọng là người dân quan tâm sẽ được lợi gì khi có Sở ATTP…?
Ban hay Sở ATTP cũng không là “đũa thần”, khiến các cơ sở sẽ “sợ”. Cho dù là mô hình nào cũng phải làm và làm nghiêm túc. Nói thành lập Ban hay Sở ATTP thì vi rút sợ quá không gây ngộ độc là không có. Chúng tôi không hứa gì, nhưng trong thẩm quyền thì sẽ cố gắng làm hết sức và tin tưởng.
Chúng tôi rất áp lực, bởi trước đây nếu làm không tới thì có thể nói là ban làm thí điểm, nhân viên không có hành động. Còn bây giờ cho lập Sở ATTP nhưng làm không tới nơi tới chốn là không được. Chúng tôi biết được những điều cần làm là gì và sẽ làm tốt hơn qua 6 năm kinh nghiệm ở mô hình thí điểm.
Sở ATTP cũng sẽ áp lực hơn các sở ngành khác. Vì 5 năm sau nữa ở Quốc hội khóa XVI sẽ có tổng kết thực hiện Nghị quyết 98, nếu Sở ATTP làm tệ quá thì Quốc hội cũng có thể cho giải tán.
Dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua trong tháng 9.2023
Ngày 3.7, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết, đề án thành lập Sở ATTP đã xong, lấy ý kiến các bộ ngành đầy đủ và nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, tại thời điểm lấy ý kiến, Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết 98. Do vậy, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện lại đề án trên cơ sở Nghị quyết 98 để trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề, dự kiến tổ chức vào tháng 9.2023.
Theo Báo Thanh Niên