Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 53/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo Nghị quyết, trên cơ sở xem xét các tờ trình của Chính phủ, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, UBTVQH quyết nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
UBTVQH đã cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại phiên họp thứ 37. |
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp và trình tự, thủ tục rút gọn đối với:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu;
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự;
Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), UBTVQH quyết nghị sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trong trường hợp dự án Luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội cho thấy các nội dung đã rõ, đạt sự đồng thuận cao thì UBTVQH xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
Các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trên dự kiến sẽ được trình UBTVQH cho ý kiến trong phiên họp thứ 38 vào giữa tháng 10.
Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính nhằm mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác. Ngoài ra, việc sửa 7 luật cũng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. |