Chiều 7/9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình tăng trưởng tín dụng.

Theo Phó Thống đốc, dư nợ tín dụng từ đầu năm đến nay đã tăng 7,75%. Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. So với thời điểm này của năm 2023, tín dụng mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%. Do đó, với tốc độ cũng như xu hướng khởi sắc chung của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng cả năm có khả năng đạt được 15%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú

Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cũng nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt. Quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, mở rộng đầu tư để góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Từ đầu năm, NHNN đã đưa ra hàng loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, ngay từ cuối năm 2023, NHNN phân bổ hết chỉ tiêu 15% tín dụng để cho các ngân hàng chủ động trong cấp tín dụng.

NHNN cũng đã có các biện pháp từng bước hạ lãi suất. Theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ.

Khi lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trong khi đó, tỷ giá cũng rất ổn định. Mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ có 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tỉ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài”, đại diện NHNN khẳng định.

Theo ông Đào Minh Tú, quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Nhiều chính sách vĩ mô khác cần đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.

Về phía NHNN, sau khi thực hiện Luật Tổ chức tín dụng mới, nhiều thủ tục, điều kiện đã được tinh gọn để các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý đẩy mạnh việc cho vay.

Hiện tại, gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ đồng, lên đến 36.000 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Chính phủ sáng 7/9, NHNN sẽ tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, ông Đào Minh Tú cho hay.

Đối với gói tín dụng cho nhà ở xã hội, hiện hạn mức tăng từ 120.000 tỷ đồng lên 140.000 tỷ đồng do có 4 ngân hàng thương mại đăng ký thêm. Dự kiến gói này cũng sẽ được giảm thêm 1% lãi suất so với mức trước đây, đồng thời thời hạn vay sẽ được kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để tạo điều kiện cho người mua nhà cũng như thúc đẩy giải ngân.

Với những giải pháp này, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ của chính sách tiền tệ và tài khóa, Phó Thống đốc Đào Minh Tú kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng cuối năm sẽ góp phần cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của nền kinh tế cả năm đạt từ 6,5 đến 7%.

Theo Thời báo Tài chính.