Về trang chủ Chưa được phân loại Sau “siêu bão”, tăng trưởng vẫn đạt kịch bản đề ra

Sau “siêu bão”, tăng trưởng vẫn đạt kịch bản đề ra

Mặc dù trải qua cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, song tình hình kinh tế – xã hội nước ta đã phục hồi nhanh sau thiên tai. Đánh giá tình hình 9 tháng năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều điểm sáng trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI, đặc biệt là lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Tổn thất nông nghiệp ảnh hưởng không lớn đến tăng trưởng chung

Theo báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương mới đây, tăng trưởng GDP quý III/2024 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 6.

Nhìn vào từng lĩnh vực cụ thể, Khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng 2,58%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm tăng trưởng trước ảnh hưởng của bão số 3 đổ bộ trong tháng 9.

Ông Đậu Ngọc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm thuỷ sản (Tổng cục Thống kê) cho hay, hoạt động nông nghiệp quý III tăng thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2020 đến nay và các quý đầu năm 2024 (giá trị tăng thêm chỉ đạt 2,03%) do nhiều diện tích trồng lúa mùa sắp cho thu hoạch, đàn gia súc, gia cầm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng bị mất trắng hoặc thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3.

Trong đó, một số tỉnh có sự sụt giảm đáng kể trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản như: Bắc Giang (-12,94%), Thái Nguyên (-10,81%), Quảng Ninh (-6,97%), Hải Phòng (-5,64%); Lào Cai (-1,13%); Cao Bằng (-1%), Hà Nam (-0,94%).

Tuy nhiên, do tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 chiếm khoảng hơn 20% cả nước, nên không tác động quá lớn đến tăng trưởng chung của ngành trên cả nước. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn diễn biến tốt đã bù đắp phần nào sự sụt giảm này.

Trong khi khu vực I tăng thấp, khu vực II (khu vực công nghiệp) quý III đạt mức tăng 9,59%, cao nhất kể từ đầu năm. Có được mức tăng này một phần do thị trường xuất khẩu trên đà khởi sắc, nhà sản xuất nhận thêm nhiều đơn hàng mới cho những tháng cuối năm, mặt khác đây là con số được tính trên nền tăng trưởng khá thấp của năm 2023.

Trong khu vực này, ngành khai khoáng và ngành điện cũng bị ảnh hưởng do bão Yagi. Hai ngành này có tốc độ tăng lần lượt là -7,09% và 8,06%, thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm.

Khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng

Đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế là khu vực III (dịch vụ). Trong đó, một số ngành có tăng trưởng tốt gồm: vận tải kho bãi (tăng 11,07%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (tăng 10,17%); dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 8,75%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (tăng 7,97%)…

Sức mua chưa phục hồi bằng trước dịch Covid

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, xét theo quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng vẫn có mức tăng trưởng khá so với các năm. Trong đó, năm 2024 so với: Năm 2023 tăng 379.108 nghìn tỷ đồng; năm 2022 tăng 775.323 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng 9 tháng qua đã phục hồi, nhưng chưa cao.

Ngoài một số ngành dịch vụ chịu tác động trực tiếp của cơn bão số 3 đầu tháng 9 như dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí thì các ngành dịch vụ khác còn lại vẫn hoạt động ổn định. Hơn nữa, tháng 9 không phải thời kỳ cao điểm du lịch, do đó, khu vực III không bị ảnh hưởng quá tiêu cực từ cơn bão.

Mặc dù nền kinh tế đã thể hiện sức chống chịu tương đối tốt trước những khó khăn vừa qua, song những thách thức, trở ngại với tăng trưởng vẫn còn không ít, nhất là trước biến động rất phức tạp, khó lường từ bên ngoài và động lực tăng trưởng từ thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả.

Cụ thể, về phía cung, bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc. Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm; nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).

Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025; áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu tương đồng với Việt Nam gia tăng. Do đó, thị trường trong nước cần được quan tâm, thúc đẩy, khai thác hiệu quả hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.

Tuy nhiên, bà Đinh Thị Thuý Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ lưu ý, hiện nay sức mua trong nước 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 – 2019. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.

Những thách thức này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, hiệu quả hơn nữa, phát huy tinh thần đột phá, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

BÀ PHÍ THỊ HƯƠNG NGA – VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột chính của tăng trưởng

Có thể nói, công nghiệp chế biến, chế tạo quý III năm nay vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực từ quý II/2024 và thật sự là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế trong quý III và 9 tháng năm 2024.

Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 tăng 6% so với quý trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, là quý có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua, cao hơn cả mức tăng của năm 2019. Phân tích diễn biến sản xuất công nghiệp trong các tháng của quý III/2024 thì cũng thấy xu hướng tích cực tháng sau cao hơn tháng trước.

Nguyên nhân có thể lý giải là tuy bão số 3 có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nhưng mức ảnh hưởng không lớn do có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo khắc phục nhanh sự cố mất điện, đảm bảo cung cấp điện ngay cho các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã có các phương án chủ động phòng chống bão, tổ chức lại sản xuất, tăng ca sản xuất để đảm bảo thời gian giao hàng theo đúng các hợp đồng.

Bên cạnh đó, trong quý cũng có các yếu tố tích cực như các doanh nghiệp ngành may, da giầy tận dụng tốt các lợi thế từ thị trường nước ngoài (bất ổn ở Bangladesh, rất nhiều đơn hàng của Bangladesh đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt Nam). Các doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu.

BÀ ĐINH THỊ THÚY PHƯƠNG – VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Khó đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt du khách

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2024 ước đạt gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023; quý III/2024, ước đạt gần 3,8 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay ước đạt hơn 12,7 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Như vậy, để đạt được mục tiêu đón được 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024, trong 3 tháng cuối năm phải đạt gần 5,3 triệu lượt, bình quân hơn 1,76 triệu lượt khách/tháng. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Bởi năm 2019, Việt Nam cũng đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, quý IV/2019 đạt hơn 5,1 triệu lượt khách, bình quân đạt hơn 1,71 triệu lượt khách/tháng. Như vậy, so với điều kiện của năm 2024, khó có thể đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách.

Tuy vậy, do quý IV hằng năm là mùa cao điểm của khách du lịch quốc tế, năm 2024 có thể đạt được mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm 2024 phải đạt gần 4,3 triệu lượt khách. Mục tiêu này có thể đạt được trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi, đồng thời đề xuất thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả một số giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

BÀ NGUYỄN THU OANH – VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Lạm phát được kiểm soát phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Nguyên nhân chính giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là do sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn. Lạm phát thế giới hạ nhiệt giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng đầu năm giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Đáng kể nhất là mặt hàng xăng dầu. Giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa. Chú trọng công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; giảm 10 – 50% với 36 loại phí, lệ phí…

Theo Thời báo Tài chính.

Có thể bạn quan tâm