Vụ sập cầu Phong Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết cách thoát hiểm khi ô tô rơi xuống nước trong tình huống khẩn cấp
Vào khoảng 10h sáng ngày 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối giữa hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ), bất ngờ bị sập. Theo báo cáo sơ bộ, 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người đã bị cuốn trôi; trong số đó, 4 người được cứu sống, còn các nạn nhân khác vẫn đang mất tích.
Hình ảnh cầu Phong Châu bị sập.
Vụ tai nạn này khiến nhiều người thắc mắc: khi ô tô gặp sự cố và lao xuống nước, phải làm thế nào để giữ mạng sống trong tình huống nguy cấp?
Thời gian quyết định sự sống còn
Tiến sĩ Gordon Giesbrecht từ Đại học Manitoba, người đào tạo lực lượng cứu hộ trong các tình huống khẩn cấp dưới nước, chia sẻ với báo Popularmechanics rằng: “Khi tai nạn xảy ra, trung bình mỗi người chỉ có khoảng một phút để thoát khỏi xe.” Ông nhấn mạnh: “Thời gian vô cùng cấp bách, nếu bạn cố gọi điện cầu cứu, có thể bạn sẽ mất đi cơ hội sống sót.” Do vậy, điều quan trọng nhất là phải hành động nhanh chóng và đúng cách.
Áp lực nước ngăn cản việc thoát ra
Vấn đề lớn nhất khi xe bị kẹt trong nước là áp lực của nước bên ngoài xe rất mạnh, khiến việc mở cửa trở nên cực kỳ khó khăn. Cửa xe không thể mở cho đến khi áp suất bên trong và bên ngoài cân bằng, nghĩa là khi xe đã bị ngập hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chờ đến lúc này, cơ hội sống sót sẽ rất mong manh. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là mở cửa sổ xe, khi đi qua cầu, qua những khu vực có sông, suối… để có thể thoát ra ngay khi xe vừa rơi xuống nước, trước khi áp lực nước bên ngoài tăng lên.
Mở cửa sổ xe, khi đi qua cầu, qua những khu vực có sông, suối… để có thể thoát ra ngay, nếu xe rơi xuống nước.
Đeo dây an toàn đúng cách
Trước hết, việc đeo dây an toàn là yếu tố tiên quyết để tránh chấn thương nghiêm trọng khi xảy ra va chạm. Nếu không đeo dây an toàn, người lái hoặc hành khách có thể bị bất tỉnh do va chạm với kính lái hoặc tay lái, khiến họ không thể tự thoát ra. Sau khi va chạm, hãy nhanh chóng tháo dây an toàn và chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Nhanh chóng tháo dây an toàn và phá cửa kính xe.
Ưu tiên việc phá cửa sổ
Do áp lực nước lớn bên ngoài, việc cố gắng mở cửa xe sẽ rất khó khăn và thậm chí còn khiến nước tràn vào nhanh hơn, làm xe chìm nhanh chóng. Thay vì cố mở cửa, bạn nênt thử cuộn kính cửa sổ xuống xe có được không vì, ngay khi xe vừa rơi xuống nước, hệ thống điện có thể vẫn còn hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, đủ để hạ cửa kính. Nếu không phải sử dụng các công cụ phá kính để thoát ra. Dùng búa được rang bị trong xe để phá kính cửa xe. Nếu không có búa, có thể tháo tựa đầu trên ghế xe, dùng 2 chân của tựa đầu bằng thép, lách vào khe giữa kính và cửa xe để phá vỡ kính. Nên phá các cửa sổ bên hoặc kính sau vì kính trước được làm từ nhiều lớp vật liệu, rất khó để phá vỡ bằng các công cụ thông thường.
Tựa đầu ở hai hàng ghế ô tô có thể dễ dàng tháo ra, và dùng phần kim loại để phá kính ô tô.
Ngay khi có cơ hội, hãy nhanh chóng thoát ra khỏi xe qua cửa sổ. Nếu có trẻ em trên xe, hãy đẩy chúng ra ngoài trước và sau đó tự mình thoát ra. Thời gian càng kéo dài, áp lực nước càng tăng, khiến việc mở cửa hoặc cửa sổ càng trở nên khó khăn hơn.
Nhanh chóng bơi ra ngoài
Sau khi thoát khỏi xe, bạn cần phải bơi ra khỏi hiện trường càng nhanh càng tốt. Nếu không thể mở cửa sổ, cách cuối cùng là đợi cho đến khi xe ngập đầy nước và áp suất bên trong cân bằng với áp suất bên ngoài, lúc đó mới có thể mở cửa và thoát ra. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người trong xe phải nhịn thở trong thời gian dài, nên cần phải tận dụng mọi cơ hội để thoát ra trước khi nước ngập hoàn toàn.
Những lưu ý quan trọng sau khi thoát ra
Sau khi thoát khỏi xe rơi xuống nước, việc cần làm đầu tiên là nổi lên mặt nước. Thầy giáo dạy bơi Lăng Văn Đàn, Trường THCS Lĩnh Nam (Hà Nội), chia sẻ rằng người biết bơi có thể dùng các động tác bơi để giữ mình nổi và bám vào các vật thể xung quanh nhằm tiết kiệm sức. Nếu mặc quần áo, nên cởi bớt để tránh chúng ngấm nước, làm bạn mất sức nhanh hơn.
Trong vụ sập cầu Phong Châu, nơi nước chảy xiết, thầy Đàn khuyên người biết bơi không nên cố bơi vào bờ, mà hãy bơi xuôi dòng để dễ dàng trôi dần vào bờ. Với người không biết bơi, quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, hít sâu, ngửa người, vẫy tay và đạp chân để duy trì mặt trên mặt nước, kéo dài thời gian chờ cứu hộ.