Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Sản xuất công nghiệp cần chủ trương “nội hóa” từ các dự án đầu tư công

Sản xuất công nghiệp cần chủ trương “nội hóa” từ các dự án đầu tư công

Nhiều dự án, gói thầu lớn trong nước có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp, nên cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn.

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tích cực, cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt. Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo.

Nhiều gói thầu lớn vẫn rơi vào nhà thầu nước ngoài

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay một số DN công nghiệp trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chi phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nhiều DN công nghiệp chế tạo trở thành nhà cung ứng sản phẩm trực tiếp với các nhà sản xuất trong và ngoài nước  

Cơ hội thị trường của DN công nghiệp cơ khí trong nước rất lớn, nhưng theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), các DN Việt Nam còn thiếu năng lực để tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các tập đoàn lớn bởi khả năng cạnh tranh còn yếu.

“Nhiều dự án, gói thầu lớn trong nước có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp. Ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như hóa chất, giao thông, khai thác dầu khí, nông nghiệp… nên đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích ngắn hạn không cao nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các DN công nghiệp cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn”, đại diện VAMI nêu bất cập.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, thực tế ngành sản xuất cơ khí, công nghiệp được dẫn dắt bởi những tập đoàn đa quốc gia, có sẵn chuỗi cung ứng. Vì thế, để DN muốn vào hệ thống sản xuất, đều phải thông qua toàn bộ chuỗi này.

“Để làm được điều này, DN trong nước cần những tập đoàn lớn trong nước dẫn dắt và liên kết với nhau, liên kết với các công ty đa quốc gia. Việc liên kết giữa DN Việt Nam với các công ty đa quốc gia là con đường ngắn nhất, để DN công nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Kết bày tỏ.

Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence – Ông Andrew Harker phân tích, lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thể tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ, làm tăng thêm sự lạc quan cho Việt Nam khi bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, hiện nay các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho DN công nghiệp còn hạn chế. Trong khi sản xuất công nghiệp Việt Nam có xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các DN Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách khiến tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp, khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất lên đến hàng chục tỷ USD.

Hỗ trợ công nghiệp tiếp cận các dự án đầu tư công lớn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh là đáng mừng, nhưng vẫn cần chủ động phòng ngừa, ứng phó với những rủi ro khó đoán định, hướng tới mục tiêu lớn nhất là duy trì đà tăng trưởng.

Đưa ra những khuyến cáo đối với các DN sản xuất công nghiệp, ông Andrew Harker cho rằng, các DN cần giải quyết được vấn đề theo kịp nhu cầu thị trường. DN cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn, bảo đảm mua được nguyên liệu bổ sung nếu xu hướng hiện tại của các đơn đặt hàng mới được duy trì trong tháng tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở lại với vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

“Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết địa phương trên cả nước. Năng lực sản xuất của DN công nghiệp khôi phục tích cực, sẵn sàng tận dụng cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, niềm tin của DN sản xuất trong nước và DN nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp những tháng qua”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhìn nhận.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN đã được Chính phủ thông qua. Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn. Có chủ trương khuyến khích mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, cũng như đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới cho các ngành hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực.

Về phía DN, bên cạnh mong muốn Nhà nước tiếp tục có những giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, các DN vẫn cần sự hỗ trợ  tiếp cận các nguồn tài chính xanh để chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện hơn với môi trường, tránh bị áp thuế cao từ các nước nhập khẩu hàng hóa. Cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp phòng vệ thương mại với những mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo VOV.

Có thể bạn quan tâm