Về trang chủ Chưa được phân loại Sàn vàng ảo IG: Lừa 500 nhà đầu tư số tiền 8,2 triệu USD, các bị cáo ra vành móng ngựa

Sàn vàng ảo IG: Lừa 500 nhà đầu tư số tiền 8,2 triệu USD, các bị cáo ra vành móng ngựa

Chỉ trong vòng 2 năm, sàn vàng ảo IG của Phạm Đức Tài đã thu hút 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này không có thật. Tài đã chỉ đạo nhân viên tạo ra các khoản tiền ảo, mục đích là để khách hàng tin tưởng và tiếp tục móc hầu bao.

Sau 2 ngày đưa vụ án kinh doanh vàng trái phép xảy ra tại CTCP kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (Công ty IG) ra xét xử sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Ngày 10/10/2018, vụ án sẽ được tiếp tục với phần luận tội của VKS.

Các bị cáo trong vụ án này được xác định là: Phạm Đức Tài (SN 1979) -nhân viên công ty IG; Mai Xuân Tú (SN 1950) -Tổng giám đốc Công ty IG; Lưu Công Khánh (SN 1982) -nhân viên Chi nhánh công ty IG tại Thanh Hóa; Lương Trần Hưng (SN 1989) -Giám đốc Chi nhánh công ty IG tại Hải Dương; Trần Hồng Nhung (SN 1989) -nhân viên công ty IG; Nguyễn Ngọc Thế (SN 1991) -nhân viên công ty IG; Lưu Trung Kiên (SN 1991) và Vũ Văn Thuấn (SN 1989) – nhân viên Chi nhánh công ty IG tại Thanh Hóa; Nguyễn Ngọc Giới (SN 1993) -nhân viên công ty IG; Nguyễn Doãn Hùng (SN 1983) -Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư Nhân Đôi bị VKS truy tố về tội Kinh doanh trái phép.

Các bị cáo phạm tội lừa đảo trên sàn giao dịch vàng ảo đứng trước vành móng ngựa.

Ngoài ra, Phạm Đức Tài, Lưu Công Khánh và Vũ Đình Hùng (SN 1983, trú tại phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM, kỹ sư công nghệ thông tin), còn bị xét xử thêm tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo truy tố, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 2/2015, Phạm Đức Tài thành lập công ty IG, trụ sở chính đặt tại quận Đống Đa, Hà Nội và để anh rể là Nguyễn Ngọc Hải đứng tên đại diện pháp nhân. Tài mở rộng thêm các chi nhánh tại Hải Dương, Thanh Hóa và Thái Nguyên.

Quá trình hoạt động, Phạm Đức Tài chỉ đạo Lưu Công Khánh thuê phần mềm MT4 để thiết lập các giao dịch và kinh doanh vàng tài khoản qua mạng Internet. Sau đó, Khánh thuê Vũ Đình Hùng tìm kiếm phần mềm MT4 và nhờ đối tượng này cài đặt thêm chức năng quản trị cho phần mềm để trực tiếp quản lý.

Phạm Đức Tài, Lưu Công Khánh với danh nghĩa công ty IG đã thực hiện các hành vi lừa dối khách hàng, quảng bá IG là công ty môi giới của công ty Napmig (một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh sàn vàng không có thật), tác động đến một số tài khoản tạo ra lợi nhuận nhằm mục đích tạo lòng tin với khách hàng, thu hút khách hàng đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Trong khi đó, Vũ Đình Hùng mặc dù biết rõ phần mềm MT4 sẽ được Lưu Công Khánh và đồng phạm sử dụng vào việc làm trái pháp luật nhưng vẫn giúp sức tích cực….

Thực hiện tội phạm, các bị cáo còn tổ chức các lớp học, hướng dẫn nhân viên tư vấn, giới thiệu cho khách hàng rằng công ty IG là đại lý môi giới của NAPMIG. Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển tới NAPMIG, IG chỉ hưởng tiền phí 35 USD/lot. Việc kinh doanh lỗ hay lãi là giữa nhà đầu tư và NAPMIG, công ty IG không liên quan.

Tham gia vào sàn vàng “ảo”, khách hàng được hướng dẫn tải phần mềm MT4 về máy tính hoặc điện thoại để tham gia mua bán vàng trên tài khoản. Mỗi khách hàng nộp tiền theo hai mức là 2.500 USD (tương đương 55 triệu đồng) và 5.000 USD (tương đương 110 triệu) để được cấp mã giao dịch đăng nhập vào tài khoản.

Chưa hết, khách hàng có thể mua bán các sản phẩm khác như bạc, dầu, các cặp ngoại tệ. Khách hàng nộp tiền, Tài chỉ đạo lập phiếu chi tiền thể hiện số tiền được chuyển đến công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi để khiến họ tưởng IG là công ty môi giới.

Bằng thủ đoạn nêu trên, từ năm 2013 đến năm 2015 đã có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. Trong nhóm 13 mã giao dịch “ảo”, các bị cáo tạo ra số tiền nộp vào là hơn 2,7 triệu USD và rút ra hơn 2,9 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này không có thật. Tạo ra các khoản tiền như vậy mục đích của các bị cáo là để khách hàng tin tưởng và tham gia kinh doanh.

Tài liệu điều tra xác định, có 140 khách hàng ở Hà Nội đã nộp vào công ty IG hơn 1 triệu USD. Số còn lại là các nhà đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa. Qua đó, các bị cáo đã chiếm đoạt của khách hàng gần 3 triệu USD, tương đương hơn 65 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phạm Đức Tài còn huy động vốn trái phép gần 50 tỷ đồng. Hiện số tiền chưa thanh toán là hơn 13 tỷ đồng. Các bị cáo còn thực hiện mua bán vàng miếng, kinh doanh vàng ký quỹ trái phép. Để che giấu hành vi, Tài chỉ đạo nhân viên yêu cầu khách hàng mua vàng miếng phải ký kết hợp đồng ủy quyền mua bán.

Triệt phá vụ án, cơ quan công an đã thu giữ 273 miếng vàng miếng, trị giá hơn 8,6 tỷ đồng. Trong tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng thu giữ, CQĐT cơ quan điều tra đã trả lại cho khách hàng do công ty IG huy động vốn trái phép và chỉ còn lại gần 330 triệu đồng.

Quá trình xét xử vụ án, 10/11 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng truy tố. Riêng Phạm Đức Tài một mực cho rằng bản thân không thực hiện hành vi kinh doanh trái phép vàng. Bị cáo này cho rằng bản thân chỉ đứng ở “vòng ngoài”, cụ thể là Tài chỉ đào tạo nhân viên chứ không tham gia điều hành của công ty

Về phía các bị hại vô cùng bức xúc vì chỉ một phút tin tưởng các bị cáo mà nộp tiền vào đầu tư để rồi “tiền mất tật mang”. Tại phiên tòa, các bị hại đều mong muốn được trả lại số tiền đã đầu tư vào công ty vàng IG.

Sau 2 ngày xét xử, TAND TP.Hà Nội đã tuyên kết thúc phần xét hỏi, ngày mai VKS sẽ đưa ra quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Theo Nguoiduatin

Có thể bạn quan tâm