Các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa… Đây là những lỗ hổng trong công tác quản lý để cho các sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát “tiếp tay” tiêu thụ hàng giả, hàng lậu.
Công khai bán hàng nhái, giả, trốn thuế
Hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử (TMĐT)” do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức ngày 15.11 “nóng” ngay từ những ý kiến đầu tiên.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong 2 – 3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội là vấn đề rất “nóng”. Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Linh dẫn chứng, đầu tháng 11 vừa qua, tại Gia Lai, lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh T.N.Q, vốn thường xuyên livestream bán hàng online đi khắp cả nước. Tại thời điểm kiểm tra, tài khoản Facebook của chủ cơ sở này có 142.000 lượt theo dõi, đã chốt hàng ngàn đơn hàng và 100% hàng hóa đều là hàng giả, hàng lậu. Chủ cơ sở này công khai sử dụng tên thật, địa chỉ thật để lập kho kinh doanh hàng lậu, hàng nhái.
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok. “Tôi đã thử với sản phẩm của Hãng Nike, chỉ vài thao tác đơn giản kiểm tra trên Shopee, Lazada là ra hết. Sau đó, hãng này phản ánh hầu hết đều là hàng giả, hàng nhái”, ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, phương thức kinh doanh online, TMĐT phát sinh đơn vị thứ ba là dịch vụ chuyển phát cũng đang lộ ra rất nhiều vấn đề. Khảo sát hiện nay cho thấy 99% công ty chuyển phát đều sống nhờ vào dịch vụ vận chuyển, kinh doanh online, chỉ 1% là dịch vụ thư tín. “Theo luật Bưu chính, các công ty chuyển phát này không có trách nhiệm với nguồn gốc hàng hóa. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước của lực lượng công an, quản lý thị trường, các công ty chuyển phát hiện đang vô hình trung giúp sức, tiếp tay vào quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng cấm, hàng giả, hàng lậu”, ông Linh nói.
Ông Bùi Trung Hiếu, đại diện Cục Thanh kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thông tin VN hiện có hơn 330 sàn TMĐT đang thực hiện nộp tờ khai thuế định kỳ đối với đơn vị, cá nhân người bán hàng để thực hiện nghĩa vụ thuế. Nhưng thực tế kiểm tra vẫn phát hiện nhiều vụ vi phạm, sử dụng chiêu trò lách luật, trốn thuế. Cụ thể là vi phạm về chi phí, các sàn TMĐT chưa nộp thuế cho phần doanh thu hợp tác kinh doanh; kê khai thiếu thuế nhà thầu; chi phí quản lý không đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định. Các cá nhân, đơn vị kinh doanh online có hành vi che giấu doanh thu, không kê khai đầy đủ doanh thu từ tiền mặt… để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Quy trách nhiệm chủ sàn, website TMĐT
Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng chia sẻ nhiều giải pháp siết chặt quản lý hàng hóa trên sàn TMĐT, kinh doanh online.
Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05) Bộ Công an, cho biết hiện nay xuất hiện rất nhiều đối tượng bán hàng giả của các thương hiệu lớn được nhập lậu về VN, sau đó rao bán trên không gian mạng. Lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi, shipper… để “truy” ra nguồn hàng, kho bãi tập kết, phương thức thủ đoạn giao nhận, phương thức thanh toán. Ngoài ra, giữa các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong thu thập thông tin về các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội, website TMĐT… có các loại hàng hóa nghi vấn là hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại do các đối tượng quảng cáo, đăng bán.
“Vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên không gian mạng đều gắn chặt với hoạt động thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số; từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, thượng tá Hải nói.
Theo ông Nguyễn Phương Minh (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN), để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn.
Ông Bùi Trung Hiếu đề xuất đối với các vụ việc vi phạm về TMĐT được quản lý thị trường, cơ quan công an kiểm tra, ra quyết định xử phạt nên chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tiếp tục xác minh xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn thuế.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định vấn đề lớn nhất của các sàn TMĐT hiện nay là tổ chức mua bán hàng hóa rất dễ dàng. Hầu hết các sàn không yêu cầu người bán hàng công khai thông tin, điều này là vi phạm các quy định pháp luật hiện nay. “Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi trong công tác quản lý sàn TMĐT. Trong lần sửa đổi nghị định về quản lý TMĐT tới đây, cần phải bổ sung các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với các đơn vị tổ chức giao dịch TMĐT”, ông Linh nói.