Về trang chủ Chưa được phân loại Sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, sẽ có 15 sản phẩm được chọn.

Xuất nhiều nhưng chưa có thương hiệu
Số liệu công bố mới nhất cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng năm 2018 ước đạt 29,54 tỷ USD, vượt 1,3% mục tiêu đã đề ra. “Với đà này, năm 2018, xuất khẩu ngành nông nghiệp có thể sẽ vượt 40 tỷ USD, tăng cả lượng về chất”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dự báo.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng, mở rộng thị trường tới hàng trăm nước, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp…. Xuất khẩu nông sản Việt đã vươn lên đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nông sản đã và sẽ là hàng hoá xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.

Trên thực tế, dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu hàng nông sản, nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, hạt điều… hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản vẫn còn thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường.

Đáng lưu ý, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp đến hết năm 2017 mới chỉ có 7.033, phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, chỉ đạt 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Chỉ có 5% số doanh nghiệp được cấp tiêu chuẩn VietGap và tương đương.

Vì vậy việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia để từ đó có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết.

15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua tổng quan kinh nghiệm quốc tế về xác định và phát triển sản phẩm chủ lực, có bốn nhóm tiêu chí chính mà hầu hết các nước đều sử dụng để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mình, bao gồm: Nhóm tiêu chí về kinh tế; Nhóm tiêu chí về xã hội; Nhóm tiêu chí về môi trường; Nhóm tiêu chí về sản phẩm ưu tiên phát triển.

Lần đầu tiên, cây sâm được chọn là sản phẩm chủ lực quốc gia. Trong ảnh: Sản phẩm sâm Ngọc Linh được giới thiệu tại Phiên chợ Sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam tháng 4/2018.

Sau khi xem xét một số sản phẩm theo các tiêu chí đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia gồm: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, sắn và sản phẩm từ sắn, sâm, rau quả, lợn, bò (thịt), gà, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Phần lớn đây đều là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Như vậy, ngoài các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè… thì cây sâm cũng được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đầu tháng 9/2018, Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa được khánh thành. Sản phẩm sâm thuộc danh mục sản phẩm Quốc gia theo quyết định của Thủ tướng từ ngày 05/6/2017.
Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn

Đài Loan: Bắt quả tang lao động Việt Nam giết và ăn thịt nhiều con chó lạc

Vòng 3: Nên chọn thủ thuật nâng mông hay khổ luyện ở phòng tập

Vòng 3: Nên chọn thủ thuật nâng mông hay khổ luyện ở phòng tập

Có thể bạn quan tâm