Về trang chủ Kinh doanh Sacombank bán USD dựa vào sự trung thực của khách hàng?

Sacombank bán USD dựa vào sự trung thực của khách hàng?

“Khi bán ngoại tệ cho khách thì Sacombank không sai, khách chỉ cần xuất trình vé máy bay và hộ chiếu thì chúng tôi bán thôi. Quy định quản lý ngoại hối là như vậy. Việc người dân mua rồi không xài, lại đem bán để ăn chênh lệch ở chợ đen thì chúng tôi khó kiểm soát”, đại diện Sacombank cho biết.

Các đối tượng lên mạng thuê 8 người làm giả giấy tờ đi du lịch để mua gom USD tại phòng giao dịch của Sacombank tại 35 Lương Định Của, Hà Nội

Sacombank nói đã bán USD đúng quy định

Sau loạt bài phóng sự điều tra của báo Lao Động về đường dây đi gom mua USD tại các ngân hàng rồi bán ra chợ đen ăn chênh lệch tỷ giá, phóng viên báo Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Chiếc ôtô chở đoàn 8 người được thuê đi mua gom USD đến chi nhánh Sacombank tại 35 phố Lương Đình Của, quận Đống Đa, Hà Nội

Trong bối cảnh Fed vừa tăng lãi suất, sức ép tỷ giá đối với Việt Nam là rất lớn. Ngân hàng Nhà nước đang phải giải bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền.

Không ít chuyên gia cho rằng, nếu để tình trạng mua gom USD trong ngân hàng ăn chênh lệch tỷ giá tồn tại lâu dài, tích tụ lớn thì có thể tác động đến quỹ dự trữ ngoại hối, tạo nhu cầu ngoại tệ ảo và ảnh hưởng đến nỗ lực điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Hình ảnh một người đàn ông đứng chờ sẵn ở cầu thang bộ trong phòng giao dịch Sacombank tại 35 Lương Đình Của (Hà Nội) để thu số USD mà nhóm người vừa đổi được.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank cho biết: “Sáng ngày 27.9, Ngân hàng Nhà nước đã mời ngân hàng đến báo cáo.

Khi bán ngoại tệ cho khách thì Sacombank không sai, khách chỉ cần xuất trình vé máy bay và hộ chiếu thì chúng tôi bán thôi. Quy định quản lý ngoại hối là như vậy.

Việc người dân mua rồi không xài, lại đem bán để ăn chênh lệch ở chợ đen thì chúng tôi khó kiểm soát. Giữa các ngân hàng với nhau chưa có dữ liệu để biết ngân hàng nào đã bán cho khách hàng nào? Khách hàng nào chưa bán? Điều này dựa trên sự trung thực của khách hàng.

Rõ ràng cái này cũng có việc lách kẽ hở luật. Chúng tôi đã lưu ý, báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, về phía ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngưng dịch vụ này nếu có thông báo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”.

Kẽ hở trong quy định 

Vậy ai được phép mua ngoại tệ tại các ngân hàng? Mỗi người được mua tối đa bao nhiêu tiền trong 1 ngày?

Trao đổi với phóng viên Lao Động, một chuyên gia ngân hàng cho biết, hiện các quy định vẫn có điểm hở để một số ngân hàng lách hạn mức bán USD cho cá nhân.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 18/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép nêu rõ: “Cá nhân là công dân Việt Nam được quyền mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này (mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài – PV) với mức 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.

Mặc dù quy định mỗi người đổi mức 100 USD/người/ngày trong 10 ngày nhưng tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 18 lại để mở cho các tổ chức tín dụng được bán vượt mức trên căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của cá nhân có mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài…

Theo quy định, số ngoại tệ tiền mặt tối đa cá nhân được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000 USD. Vì vậy, với việc làm giả hồ sơ đi du lịch, các đối tượng dễ dàng đổi được 5.000 USD/người tại mỗi ngân hàng.

Theo Báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm