Sáng 25.4, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khai mạc trưng bày chuyên đề Sắc mộc – nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn, giới thiệu đến công chúng 150 hiện vật ẩn chứa những nét đẹp văn hóa, câu chuyện lịch sử, đồng thời thể hiện nét tài hoa, tư duy thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân xưa.
Giá trị to lớn về sử liệu
Điêu khắc gỗ là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Việt. Nghề gỗ khảm trai, ốc xuất hiện từ thời Lý – Trần ở vùng đất Thăng Long xưa; nhiều vật phẩm khảm trai, ốc còn được các sứ thần mang sang Trung Hoa.
Đến thế kỷ 17, các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi, nghề khảm cũng theo vào và phát triển rực rỡ. Giai đoạn này loại hình gỗ khảm ốc xà cừ chủ yếu là đồ thờ như hoành phi, câu đối, bình phong và đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, đặc biệt là các loại khay hộp. Đề tài trang trí mang ý nghĩa cát tường: Tứ linh, tứ quý, tích truyện kèm thơ minh họa.
Một số câu đối được khảm xà cừ thể hiện theo hình thức “nhất thi nhất họa” (một câu thơ kèm một hình ảnh minh họa) như câu đối: Thiên hữu tứ thần xuân tại thủ/Tiên chiêm bách hoa đầu thượng khai (Trời có bốn mùa, mùa xuân đứng trước/Xem khắp muôn hoa, hoa mai nở đầu). Các sản phẩm điêu khắc gỗ được sử dụng trong mọi mặt đời sống, đặc biệt ở lĩnh vực thờ cúng. Hiện vật gỗ rất đa dạng về loại hình như chân đèn, khám thờ, đài thờ, hộp gỗ đựng sắc phong.
Đáng chú ý ở trưng bày chuyên đề Sắc mộc là bộ đồ thờ gồm: hộp ấn, cây bút, thanh kiếm… có kích cỡ nhỏ, thường xuất hiện tại đình làng Nam bộ. Mỗi đồ vật đều mang ý nghĩa cát tường như: bút, cuốn thư hàm ý đại diện cho văn chương thi phú của nhà Nho; kiếm và các binh khí thể hiện cho sức mạnh của nhà võ; quạt, gậy như ý là pháp bảo của các vị tiên thể hiện điềm lành, bình an. Tổng hòa ý nghĩa của bộ đồ thờ thể hiện sự bình an và văn võ song toàn. Đặc biệt, hộp ấn và kiếm gỗ còn được sử dụng trong lễ Tôn vương – một nghi thức của lễ Kỳ yên của đình làng Nam bộ – với ý nghĩa chọn được vị minh quân, đức độ ban phúc lành cho nhân dân.
Định hình một dòng chảy mỹ thuật
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: “Dưới thời Nguyễn, trước nhu cầu tăng nhanh về xây dựng cung điện, lăng tẩm, đền chùa, công thự, nhà cửa… nên nghề mộc, điêu khắc gỗ có điều kiện chấn hưng và phát triển mạnh. Nghệ thuật chạm khắc gỗ trên trang trí kiến trúc, trên đồ dùng thờ tự, tượng thờ Phật giáo, đồ gia dụng đã lưu lại những dấu ấn đặc sắc, đóng góp giá trị không nhỏ vào việc nâng tầm thẩm mỹ cho các sản phẩm gỗ chạm. Các phong cách nghệ thuật cung đình, dân gian, Đông – Tây hòa quyện được chọn lọc một cách tinh tế dưới cặp mắt thẩm mỹ của nghệ nhân cung đình và thợ chạm dân gian, tạo nên những sản phẩm điêu khắc gỗ tinh túy nhất thời Nguyễn”.
Đặc biệt các loại khay, hộp gỗ thời Nguyễn có nhiều sản phẩm mang tính mỹ thuật cao nhờ sự kết hợp ăn ý giữa mộc (pha gỗ, làm vóc…) với kỹ thuật điêu khắc (chạm thủng, chạm nổi, chạm chìm…), cẩn (cẩn chìm, cẩn nổi…) và cả sơn thếp trên các sản phẩm tôn giáo tín ngưỡng hoặc cung đình. Ngoài chất liệu chủ đạo là gỗ, sự phối kết các chất liệu khác như xương, ngà, ốc, kim loại… dùng tạo hình hoa văn, đồ án trên khay, hộp cũng làm cho những vật dụng trở thành tác phẩm mỹ thuật tuyệt tác.
“Nhờ sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Nguyễn nên đã hình thành một phong cách riêng, góp mặt cùng các nghề thủ công tinh xảo khác để định hình một dòng chảy mỹ thuật: Mỹ thuật Huế và Mỹ thuật Nguyễn, mà những giá trị văn hóa từ các tác phẩm nghệ thuật vẫn luôn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay”, TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Theo Báo Thanh Niên