Ngồi nhẩm những món cần nấu cho 5 ngày Tết, Ngọc 34 tuổi lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí ám ảnh bởi mâm cơm toàn thịt, tinh bột, đồ chiên xào rán.
Năm thứ 6 làm dâu, Ngọc, ở Thường Tín, dần quen với phong tục nhà chồng, song vẫn không khỏi chán nản khi nghĩ đến 5 ngày Tết với mâm cỗ truyền thống 15 món, bao gồm: măng nấu chân giò, canh bóng thả, miến nấu lòng gà, mọc nấm thả, chim hầm hạt sen, gà luộc, nem rán, giò lụa, xôi gấc, bánh chưng, thịt đông, lòng gà xào củ quả, tôm chiên…
Theo công thức tính calo của chuyên gia dinh dưỡng, mâm cỗ của gia đình cô trung bình khoảng 8.000-10.000 calo cho 6 người ăn, trong khi mỗi ngày chỉ nên nạp vào 2.000 calo/một người. Như vậy, một ngày có ba bữa cỗ, lượng calo nạp vào tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, khiến các thành viên đều bị đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu, nguy cơ tăng cân sau mỗi dịp Tết.
Năm ngoái, cô góp ý nên giảm bớt món ăn nhiều đạm, thay bằng rau, củ, quả nhưng bị mẹ chồng từ chối, nói “phải đầy đủ, trọn vẹn thì mới là Tết”. Mọi người cho rằng mỗi năm chỉ có ba ngày Tết, ai cũng muốn “ăn ngon, ăn sang” để cả năm sung túc.
Chấp nhận truyền thống nhà chồng, Ngọc chuẩn bị các loại men tiêu hóa, thuốc dạ dày, tiêu chảy, sữa chua và các loại thức uống lên men, sẵn sàng “giải độc” cho gia đình.
Thói ăn uống vô tội vạ ngày Tết cũng là nỗi ám ảnh của Mai, 33 tuổi. Bố chồng của Mai là trưởng họ, thường đứng ra tổ chức các bữa tiệc lên đến hàng chục người tham dự vào dịp cuối năm. Mỗi ngày Tết, nhà chồng cô nấu 5 bữa cỗ, thường xuyên tất bật người ra vào từ gà gáy đến nửa đêm. Cứ sau Tết, hai con của cô lại tăng cân, bị đầy bụng, khó tiêu, còn người chồng đau dạ dày phải điều trị hàng tháng.
“Chồng tôi là cháu đích tôn, miệng than phiền đầy bụng nhưng tay vẫn cầm chén rượu chúc không ngừng nghỉ”, Mai kể, thêm rằng mỗi dịp Tết lại stress, mất ngủ vì ăn uống.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết quan niệm “30 Tết phải có thịt treo nhà” hay “đói giỗ cha, no ba ngày Tết” đã in sâu trong tiềm thức người Việt. Dịp này, các gia đình thường mua hoặc nhận quà biếu là các đặc sản từ nhiều vùng miền, nấu nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Do tâm lý Tết, mọi người cũng có xu hướng ăn uống nhiều, thậm chí “vô tội vạ”, dân gian hay gọi là thói ăn như rồng cuốn, phó giáo sư Thịnh giải thích.
“Ăn nhiều, uống nhiều, lười vận động là nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh tật, khiến tệ nạn ngày lễ Tết gia tăng”, ông Thịnh nói, thêm rằng nạp nhiều calo còn dẫn tới dư năng lượng, gây thừa cân béo phì. Nhiều người bị tiêu chảy hoặc táo bón, rối loạn tiêu hóa. Ăn nhiều đạm gây hại gan, thận. Nhóm người mắc bệnh mạn tính, tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường có nguy cơ trầm trọng hơn.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng, cho biết dịp Tết, nhiều gia đình ăn không điều độ, không đúng bữa và số bữa cũng nhiều hơn. Mức tiêu thụ thịt cá tăng, giảm rau dẫn đến mất cân đối khẩu phần ăn.
Chẳng hạn, một chiếc bánh chưng vuông cỡ vừa, chia 8 miếng, mỗi miếng trọng lượng khoảng 114 g, cung cấp 204 calo, 4,7 g chất đạm, 5,6 g chất béo và 33,9 g chất bột đường. Như vậy, một chiếc bánh chưng trong mâm cỗ khoảng 1.500 calo; một miếng bánh chưng cung cấp năng lượng tương đương một bát cơm trắng (khoảng 180-200 calo).
Một đĩa xôi gấc 100 g chứa tới 600 calo, một đĩa xôi lạc 100 g sẽ cung cấp khoảng 400 calo. Khi ăn một bát xôi (khoảng 1/5 đĩa) chứa khoảng 130 calo cung cấp năng lượng bằng 1/3 bát phở (400 calo). Hay 100 g thịt lợn nấu đông, tương đương một bát con, sẽ chứa khoảng 297 calo.
Bên cạnh đó, thịt nấu đông có hàm lượng nước, chất đạm, chất béo cung cấp nhiều năng lượng và và chứa đến 21,5 g chất béo. 100 g nem chứa 137 calo, khi rán lên, lượng calo tăng khoảng 120-150 calo trên 100 g. Một đĩa nem trong mâm cơm ngày tết khoảng 10 cái nem chứa 1.200 calo.
Ngoài ra, thực phẩm ngày Tết có nguy cơ mất an toàn vệ sinh do thường xuyên đun nấu lại hoặc tích trữ lâu.
Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên ăn no đến 80%. Khoa học cũng chứng minh dạ dày cần 20 phút để gửi tín hiệu cho não về lượng thức ăn cơ thể đã hấp thụ. Thay vì tiếp tục ăn cho đến lúc no căng, bạn hãy bỏ bát đũa khi vẫn còn hơi đói. Một lát sau, cơ thể sẽ thoải mái và dễ chịu. Ăn đủ calo tránh đầy bụng, khó tiêu, ì ạch dịp Tết.
Bên cạnh đó, mọi người nên cân đối ba chất sinh năng lượng là bột đường, chất đạm, chất béo. Chất bột đường cần bổ sung 50-60%, nên lựa chọn từ các thực phẩm rau củ quả, ngoài ra là bánh mì nâu, gạo lứt, khoai… với số lượng được khuyến cáo.
Nhóm chất đạm từ thực vật và động vật được khuyến nghị 13-20% tổng năng lượng. Bác sĩ khuyến nghị “hơi thiên về đạm thực vật, chứ không phải tẩy chay hết đạm động vật”. Đạm động vật nên sử dụng từ thủy hải sản, tôm cua cá, sau đó là gà, vịt, ngan, lợn, bò…
Chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ (mỡ thịt, mỡ cá) và chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu (dầu có trong các loại hạt, loại quả).
Một số cách ăn lành mạnh khác được khuyến nghị là ăn đúng bữa, hạn chế bánh, kẹo, nước ngọt, đặc biệt rượu bia. Uống quá nhiều bia rượu sẽ ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe, mất an toàn khi tham gia giao thông, tăng nguy cơ đối với các bệnh tim mạch, gout, tăng huyết áp, đái tháo đường…
“Tết là dịp quầy quần, sum họp nên không cần quá cầu toàn ăn uống hay tham thực dẫn đến rước họa vào người”, phó giáo sư Thịnh khuyến cáo.
*Tên nhân vật được thay đổi