Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Ricons xác định khó thu hơn 200 tỷ đồng nợ từ Coteccons

Ricons xác định khó thu hơn 200 tỷ đồng nợ từ Coteccons

Khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ Coteccons và khó khăn chung của thị trường đã khiến lãi ròng năm ngoái của Ricons rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Ricons trích lập dự phòng hơn 200 tỷ đồng khó đòi với Coteccons. Ảnh: Ricons

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (OTC: PHG) đã trích lập dự phòng hơn 227 tỷ đồng, tương đương 70% khoản phải thu ngắn hạn từ Coteccons (HoSE: CTD).

Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp trích lập dự phòng khoản phải thu kể trên, đồng nghĩa xác định đây là nợ khó đòi và có khả năng “mất trắng”. Trong tương lai, nếu các khoản nợ này được thanh toán, công ty có cơ hội được hoàn nhập dự phòng, ghi nhận lại khoản tiền tương ứng.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Ricons đạt gần 7.900 tỷ đồng, hơn một nửa trong số này đến từ các khoản phải thu ngắn hạn. Trong đó, doanh nghiệp đang có hơn 322,5 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ Coteccons, tăng khoảng 28 triệu đồng so với cuối năm 2022.

Về phía Coteccons, báo cáo tài chính quý IV/2023 không thuyết minh rõ khoản phải trả với Ricons.

Ngoài khoản nợ của Coteccons, Ricons còn có khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng từ Bất động sản Phương Nam 3A-1 (chủ đầu tư tòa nhà The Nexus tại quận 1, TP.HCM). Tuy nhiên, Ricons không thực hiện trích lập dự phòng với khoản phải thu của doanh nghiệp này.

Trước đó vào cuối tháng 7/2023, Ricons cho biết đã nộp đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.HCM mở thủ tục phá sản đối với Coteccons. Tuy nhiên, Tòa án đã bác đơn vào đầu tháng 10/2023.

Coteccons khẳng định cả hai doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (công nợ) từ giai đoạn trước năm 2019 khi còn chung hệ sinh thái dưới thời ông Nguyễn Bá Dương.

Coteccons nhấn mạnh chưa được chủ đầu tư dự án trả tiền. Đồng thời, hợp đồng đã ký với Ricons cũng có điều khoản quy định rõ chỉ khi Coteccons nhận khoản thanh toán từ chủ đầu tư thì mới chi trả cho các nhà thầu phụ.

Kết thúc quý IV/2023, doanh thu thuần của Ricons giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, về 2.270 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phải trích lập nợ khó đòi từ Coteccons cộng với các chi phí tăng cao đã khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về mức âm 8 tỷ đồng.

Với khoản lợi nhuận khác 23 tỷ đồng từ hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình, nhà thầu này mới có thể thoát lỗ. Doanh nghiệp báo lãi ròng chưa tới 6 tỷ đồng, giảm 44% so với quý IV/2022.

Luỹ kế cả năm, Ricons ghi nhận khoảng 7.575 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với năm 2022. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn 83 tỷ đồng, thấp nhất trong 8 năm qua.

Dù vậy, so với kế hoạch thận trọng cho năm 2023, công ty này vẫn vượt 26% chỉ tiêu doanh thu và 58% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Theo Liên Phạm/Tạp Chí Tri Thức

Có thể bạn quan tâm