Liên quan đến trách nhiệm xử lý 10 triệu tấn rác ở khu vực nông thôn, đại diện phía bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trả lời về phân công trách nhiệm trong quản lý.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi “trách nhiệm xử lý 10 triệu tấn rác thải nông thôn thuộc về ai?”
Bên cạnh đó, Thủ tướng đưa ra một nghịch lý trong thực tế: “Rác bây giờ rất lớn nhưng nhà đầu tư xử lý rác không có rác để làm việc này, trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Các container nằm đầy ở các cảng trách nhiệm thế nào?”…
Đồng thời cho rằng để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên môi trường, Bộ cần xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách sát với thực tiễn đời sống và sản xuất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Tiến Đoàn -Chuyên viên vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết: “Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn và khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư xử lý chất thải rắn, tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng các quy định, các cơ chế, chính sách này trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt không được giao cho một cơ quan mà được Chính phủ đã phân công cho nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý”.
Ông Đoàn khẳng định: “Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đối với chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nói riêng, Bộ có trách nhiệm:
Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải; Tổ chức quản lý, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, để xử lý được 10 triệu tấn rác thải nông thôn, cần có sự phối hợp từ nhiều đơn vị. Theo ông, bộ Xây dựng có trách nhiệm: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt;
Phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, Chính phủ đang giao trách nhiệm cho bộ Xây dựng tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch chất thải rắn các lưu vực sông và quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng liên tỉnh; Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang chủ trì đánh giá, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo sự phân công của Chính phủ tại Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, Bộ TN&MT hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá công nghệ xử lý chất thải.
“Đặc biệt, UBND cấp tỉnh ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; lập và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp.
Như vậy, có thể thấy trách nhiệm đối với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì UBND các cấp có trách nhiệm bố trí kinh phí để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Đỗ Tiến Đoàn nhấn mạnh.
Trong báo cáo của bộ TN&MT từ năm 2018, nêu rõ, bộ TN&MT phối hợp với bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quyết định phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành;
Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; Phổ biến, nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn phù hợp với các khu vực nông thôn; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn.
Theo báo cáo của bộ TN&MT từ năm 2018, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa.
Đến nay đã có khoảng 50 % các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Hàng năm, hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ, 85-90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, hơn 14.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại sau sử dụng.
Theo Nguoiduatin
Cần Thơ: Giới thiệu việc làm mà lại thu tiền đào tạo của sinh viên mới ra trường
Hoa Kỳ: Bé gái chứng kiến cha mẹ bị giết trốn thoát khỏi nơi giam cầm 88 ngày
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại
Kiên Giang: Tàn cuộc nhậu, ngư phủ rủ cô gái mới quen đi chơi riêng rồi sát hại