Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi, giữa hội họa và trang trí, giữa hình màu vật chất và hình màu nhận thức, để làm mới chất liệu sơn mài trong từng tác phẩm.
Là của để dành trong nhiều năm, Triển lãm “Quyện” của họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên trưng bày nhiều tác phẩm ấn tượng, chứa đựng sâu sắc những giá trị về mặt nghệ thuật lẫn triết lý nhân sinh. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 9/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Quyện trong cảm hứng sáng tác
Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên sinh năm 1968 tại Hà Nội. Năm 1991, anh tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ra trường, anh từng làm hàng chục nghề để kiếm sống, nhưng trải qua rồi anh mới thấu, đó không phải là nghề nghiệp mà mình muốn gắn bó cả đời. Vậy là Nguyễn Đình Tuyên quyết định từ bỏ hết tất cả để chuyên tâm vào nghiệp vẽ.
Lấy cảm hứng từ lòng yêu quê hương, tranh của Tuyên mang đậm dấu ấn làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh của tàu lá chuối, hoa sen, của cây đa, bến nước, sân đình được anh đưa vào tranh một cách khéo léo và đặc sắc.
Từng sở hữu 4 triển lãm cá nhân trước đó, Tuyên ghi dấu ấn trong làng hội họa bằng nhiều tác phẩm và giải thưởng giá trị. Năm 1995 và 1996, anh giành 2 giải Nhì ở Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2000, anh giành Huy chương Đồng của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Nhiều tác phẩm xuất sắc của anh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng như ở các bộ sưu tập trong và ngoài nước.
Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên chia sẻ: “Tôi muốn nâng tầm những hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng mang đậm hồn Việt vào hội họa. Vì thế, tôi trộn lẫn và biến hóa chúng qua bàn tay mình, làm mới những thứ tưởng chừng đã cũ bằng nét vẽ đầy xúc cảm”.
Phải nhìn tận mắt và chạm tận tay vào từng nét vẽ, người ta mới có thể cảm nhận rõ sự đầu tư của Nguyễn Đình Tuyên cho từng tác phẩm. Tuyên cho biết, anh chưa từng giới hạn thời gian sáng tác. Bởi vẽ, ngoài câu chuyện lao động nghệ thuật, còn bị chi phối bởi cảm hứng sáng tạo. Anh thả hồn mình vào cảnh vật và vẽ đến khi nào bản thân thấy hài lòng mới đặt cọ xuống.
Đánh giá về các sáng tác của Nguyễn Đình Tuyên, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quang Việt nhận xét: “Các bức tranh của anh thực sự là bản ghi của những câu chuyện tâm tình, những tâm trạng, những dòng trạng thái cảm xúc hiện thân qua tất cả những gì anh thấy trực tiếp bằng mắt, thậm chí bằng xúc giác, hoặc chỉ bằng cảm giác về chúng trong những không gian và thời gian hết sức riêng tư của anh”.
Quyện trong chất liệu vẽ tranh
Hội họa sơn mài Việt Nam, trên thực tế, đã thoát thai khỏi nghệ thuật trang trí bằng những bức tranh phong cảnh. Tuy nhiên, về căn bản, những thuộc tính của nghệ thuật trang trí vẫn tác động nhiều đến quan niệm, thủ pháp và kỹ thuật của người vẽ. Để mỗi sản phẩm sơn mài thực sự trở thành một tác phẩm hội họa độc đáo, người nghệ sĩ cần xử lý chất liệu này theo một lối riêng, mang đến sự thú vị trong cách nhìn và thưởng thức.
Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên cho biết, sơn mài có sắc độ và biên độ rất rộng để thỏa sức sáng tạo. Trong quá trình làm mới chất liệu này, anh đã kết hợp sơn mài cùng vàng, bạch kim, thậm chí là vỏ trứng. Anh nghiền nhuyễn vàng để tô nhụy hoa, làm mái ngói, dàn trải thành bãi cát, vẽ rặng cây trong ánh hoàng hôn. Anh sử dụng vỏ trứng để tạo ra những mảng sần sùi nhưng vẫn giữ được độ bóng nhất định.
Bằng tư duy làm nghệ thuật mới mẻ, Nguyễn Đình Tuyên đã sử dụng tốt chất sơn mài để lột tả được vẻ mênh mông, hùng vĩ của cảnh sắc hương trời, làm nên nét rực rỡ của thiên nhiên Việt Nam. Từ “Sen” đến “Hiên nhà” và cả “Làng Hiên Vân” đều là những tác phẩm được đổi mới ở chất liệu và tạo hình, mang đến cách nhìn mới mẻ cho công chúng.
“Sáng tạo trong chất liệu vẽ tranh cũng góp phần làm nên nét độc đáo ở phong cách của người nghệ sĩ. Theo tôi, họa sĩ cần có sự khôn ngoan ngay từ khâu lựa chọn chất liệu, sắp đặt và tính toán chi tiết sao cho hợp lý để tránh sự đơn điệu, nhàm chán trong tranh. Chỉ khi làm được như thế, họ mới có thể tạo ra được phong cách và sở hữu một chỗ đứng riêng trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại”, Nguyễn Đình Tuyên nhận định.
Kiên định với hành trình đi tìm cái đẹp trong sự gần gũi, Nguyễn Đình Tuyên dùng sơn ta để tạo ra cú bứt phá cho bản thân mình. Chính sơn mài đã giúp anh nhận ra những vẻ đẹp phong phú ẩn giấu trong những điều bình thường, thân thuộc của đời sống, để rồi yêu lấy, chăm chút và làm nó sống dậy trong từng tác phẩm.