Khác với các bệnh lý nguy hiểm khác như tim mạch, hen suyễn…, phụ nữ bị tăng áp động mạch phổi khi mang thai có nguy cơ tử vong cao ngay cả trong thai kỳ, lẫn lúc sinh nở; tỉ lệ trẻ bị sinh non, suy thai, chấm dứt thai kỳ sớm… chiếm đến 30%.
Tăng áp động mạch phổi là áp lực động mạch phổi tăng bất thường, có thể từ hệ quả của chứng suy tim, tổn thương nhu mô phổi, huyết khối… Trường hợp người bị tăng áp lực động mạch phổi do một số bệnh lý về tim bẩm sinh có thể điều trị bằng phẫu thuật thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch… Còn tăng áp lực phổi do di truyền, hay hệ quả của một số bệnh lý khác thì không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng các bác sĩ sẽ có phương án giúp làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Mặt khác, tăng áp phổi khó được chẩn đoán sớm vì thường không được phát hiện khi khám sàng lọc, các dấu hiệu và triệu chứng lại giống với các bệnh lý tim, phổi khác… nên khả năng bệnh diễn tiến âm thầm, về lâu dài gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, y học chống chỉ định mang thai với nữ bệnh nhân. Bởi khi có thai, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Anh Phương – Phó khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) – cho biết, do các biến chứng nguy hiểm của tăng áp lực động mạch phổi, tất cả bệnh nhân nữ đều được tư vấn không nên mang thai. Tuy nhiên, không ít người bệnh vẫn khao khát làm mẹ, bất chấp nguy cơ xảy ra với mẹ lẫn thai nhi.
Khi mang thai, thai phụ mắc tăng áp động mạch phổi có nhiều biến chuyển xấu về sức khỏe. Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng tiến triển nhanh, thai phụ lên những cơn tăng áp phổi dẫn đến suy hô hấp, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Nguy cơ thai nhi và trẻ sơ sinh gặp biến chứng cũng rất cao. Trẻ bị sinh non do phải can thiệp chấm dứt thai kỳ sớm, hoặc suy thai, thai lưu chiếm tỉ lệ đến 30%.
Do đó, thai phụ và gia đình cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa sản, tim mạch, bác sĩ có chuyên môn về tăng áp động mạch phổi; tuân thủ theo dõi, điều trị suốt thai kỳ. Thân nhân bệnh nhân nên nhận biết tình huống nguy hiểm, kịp thời đưa thai phụ đến bệnh viện cấp cứu, nhất là những tháng cuối thai kỳ.
Trong quá trình mang thai, người bệnh cần thay đổi lối sống, nghỉ ngơi hợp lý, có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, rau quả, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo, hay các loại đậu và carbohydrate phức hợp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Hạn chế thực phẩm có chứa đường tinh luyện, muối, chất béo bão hòa và cholesterol.
Tuyệt đối không uống rượu, bia, hút thuốc lá, hay các thực phẩm có chất kích thích. Lưu ý không xong hơi, tắm nước quá nóng, hoặc tắm bồn quá lâu… Ngoài ra, thai phụ nên lựa chọn các bài tập thể dục vừa sức, an toàn, không được gắng sức.
Ở bất kỳ giai đoạn nào, nếu thai phụ cảm thấy khó thở khi gắng sức; chóng mặt, mệt mỏi, hồi hộp, vùng ngực đau tức, phù tay chân; mệt ngay cả khi nghỉ ngơi; đầu ngón tay, chân, môi bị tím tái… phải được đưa đến bệnh viện ngay. Bởi khả năng thai phụ bị thiếu ô xy máu, biến chứng suy tim cao.