Công thức giá điện cần phản ánh đúng chi phí thực tế, gắn trách nhiệm các đơn vị điều hành như Bộ Công Thương, EVN, theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, trình Chính phủ việc sửa cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (Quyết định 24/2017). Cơ quan này đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.
Công thức tính giá sẽ gồm giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ và các yếu tố gắn với giá thành sản xuất, như chênh lệch tỷ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ được xác định căn cứ báo cáo tài chính được kiểm toán.
Theo thông báo kết luận cuộc họp bàn cơ chế này vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ để công thức tính giá điện đảm bảo thị trường, tính toán tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đời sống người dân.
“Công thức này cũng cần phản ánh đúng, chính xác giá thành, chi phí thực tế phù hợp đặc thù ngành điện, gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong xây dựng, điều hành kế hoạch cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh”, thông báo kết luận nêu.
Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, theo dự thảo của Bộ Công Thương, EVN có thẩm quyền tăng giá 3% đến dưới 5% khi các thông số đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối…) biến động. EVN giảm giá tương ứng nếu giá điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành.
Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh trong trường hợp giá tăng từ 5 đến dưới 10%. Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Tại thông báo kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý tăng phân cấp, phân quyền với thẩm quyền điều chỉnh giá điện khi ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Trong đó, Bộ Công Thương – cơ quan soạn thảo dự thảo quyết định sửa đổi – nghiên cứu, cân nhắc phân cấp theo hướng phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi Bộ Công Thương, EVN định điều chỉnh giá.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu rà soát chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các bộ, cơ quan để hoàn thiện, quy định rõ tại dự thảo quyết định.
“Các đề xuất sửa đổi phải giải trình, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm chính sách sau ban hành khả thi, đúng thẩm quyền và quy định pháp luật chuyên ngành về điện, giá, quản lý doanh nghiệp, phù hợp thị trường”, Phó thủ tướng nêu quan điểm. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất chính sách.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi vừa qua không diễn ra định kỳ. Sau 4 năm kìm giữ, giá điện được tăng hai lần trong năm nay, tổng cộng 7,5% (vào tháng 5 và 11).
Góp ý trước đây về phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân, công thức xác định giá, cơ chế điều chỉnh, Bộ Tài chính không muốn đồng trách nhiệm trong điều hành giá điện với Bộ Công Thương. Còn Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát kỹ phương pháp, công thức lập giá bán lẻ để tránh ảnh hưởng tới vĩ mô, nền kinh tế và các đối tượng sử dụng điện.