Sáng 29/5/2019, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Được sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội.
Phó Chủ tịch nước cho biết, Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong 8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).Công ước đã được ILO thông qua năm 1949 và tính đến tháng 1/2019 đã có 165/187 quốc gia là thành viên của ILO thông qua.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế – quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo Phó chủ tịch nước cho biết Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: thứ nhất là bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động. Thứ 2, bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động. Thứ 3, những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.
“Công ước xác lập nguyên tắc tự nguyện, thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí” -Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Phó chủ tịch nước cho biết: Việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời, tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được QH phê chuẩn ngày 12/11/2018 (có hiệu lực đối với nước ta từ ngày 14/1/019), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang được tích cực chuẩn bị để có thể ký kết và phê chuẩn trong thời gian tới.
Đồng thời, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Về kinh tế – xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần giúp cho thương lượng tập thể được thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế. “Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thương lượng tập thể là công cụ, phương tiện quan trọng trong việc phân chia thu nhập, phân chia thành quả của sự phát triển công bằng hơn ở cấp độ xã hội.
Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả sẽ góp phần làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hài hòa quan hệ lao động giữa các bên, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh – chính trị, kinh tế – xã hội” -Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Tờ trình về Công ước 98 do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký cũng nêu rõ đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Công ước số 98 là người lao động. Người lao động sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng hưởng lợi do thương lượng tập thể góp phần đưa ra giải pháp ổn định và phát triển lực lượng lao động có chất lượng; tăng năng suất lao động; hạn chế, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cùa của Công ước 98 về chống phân biệt đối xử, chống can thiệp thao túng đối với công đoàn và thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện một cách hiệu quả thực chất.
“Kết quả rà soát cho thấy, một số quy định của pháp luật Việt Nam chưa phù hợp với công ước, cụ thể là bộ luật Lao động năm 2012 và 2 nghị định của Chính phủ cần được sửa đổi bổ sung nếu Việt Nam gia nhập công ước này” -bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thông tin thêm: Từ đó, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ báo cáo, thuyết minh trước Quốc hội về nội dung cụ thể và những vấn đề liên quan đến việc gia nhập Công ước số 98.
Theo Kienthuc-Nguoiduatin
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo
Tổng bí thư-Chủ tịch nước: Gửi điện thăm hỏi Tổng thống Nga sau vụ tai nạn máy bay
Tổng bí thư-Chủ tịch nước: Gửi thư chúc mừng Quốc vương Thái Lan