Về trang chủ Giải trí Phim Việt thiếu những tác phẩm có thể chinh phục thế giới

Phim Việt thiếu những tác phẩm có thể chinh phục thế giới

Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016, công nghiệp điện ảnh được xác định như một ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, mũi nhọn này đang không bén khi thiếu những tác phẩm có thể vươn tầm thế giới.
“Bố già” là phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, được gửi đi các liên hoan phim quốc tế và phát hành tại Mỹ. Ảnh: Nhà sản xuất
Những bất cập khi phim Việt đến với thế giới

Có thể thấy, điện ảnh là ngành có thế mạnh rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia. Phim ảnh giúp khán giả tiếp cận văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia. Trên thực tế, phim Việt đã có những nỗ lực vươn ra quốc tế, chinh phục khán giả nước ngoài.

Theo TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, những tác phẩm nổi bật, có thành tích tốt hầu như nằm trong giai đoạn trước và sau đổi mới, còn những phim mới sản xuất các năm gần đây thì chưa được đánh giá cao.

Hiện tại, quá trình đưa phim Việt đến với bạn bè quốc tế chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn xã hội hóa. Các đơn vị tư nhân tự đưa phim đến các liên hoan phim quốc tế, chịu khó đầu tư cho phim ảnh.

Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên và đến nay là duy nhất có gian hàng lớn tại Liên hoan phim Cannes, tổ chức được một Đêm Việt Nam có 700 khách mời nhưng đến nay, chúng ta chưa thể quay lại Cannes.

Bà Ngô Phương Lan cho biết: “Luật Điện ảnh mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã có những quy định mới. Trong quá trình sửa đổi luật, chúng tôi đã có những đề xuất về việc quảng bá phim Việt. Tại Việt Nam, các phim muốn đưa ra nước ngoài phải có giấy phép phổ biến thì mới được đăng ký. Đã có những trường hợp đăng ký trước khi có giấy phép phổ biến nhưng sau đó thì không được cấp giấy phép. Ở Trung Quốc, nhiều bộ phim được gửi đi dự thi ở các liên hoan phim quốc tế nhưng không được chiếu trong nước”.

Mặt khác, điện ảnh Việt Nam chưa thực sự được đầu tư bài bản và có hệ thống, hoặc có sự dẫn dắt của một gian hàng quảng bá điện ảnh quốc gia giống như nhiều nền điện ảnh khác, mà vẫn chỉ là quảng bá theo từng doanh nghiệp, đơn vị hoặc cá nhân nghệ sĩ, nhà làm phim tự đưa đến các liên hoan phim.

Thị trường phim Việt chưa đủ tiềm năng

Thị trường điện ảnh trong nước trong những năm 2000 có doanh thu khoảng 2 triệu USD (khoảng 47 tỉ đồng), năm 2019 tăng lên khoảng 4.000 tỉ đồng, nhưng doanh thu này 70% đến từ phim ngoại nhập. Tuy nhiên, TS Ngô Phương Lan đã chỉ ra một số những hạn chế của điện ảnh Việt Nam trong quá trình hộp nhập. Ví dụ, phim Việt hiếm khi được phát hành ở nước ngoài, hầu như chỉ được biết đến qua một số liên hoan phim quốc tế và khu vực, các tuần phim, tuần văn hóa. Mỗi bộ phim được chọn tham dự các hoạt động này chỉ chiếu 1-2 lần, phạm vi tiếp cận khán giả hẹp.

Nguyên nhân là do chúng ta chưa có những bộ phim xuất sắc, có thể chinh phục thế giới như một số nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…). Nguyên nhân sâu xa hơn là điện ảnh Việt chưa có sự quan tâm thích đáng từ Nhà nước để phát huy thế mạnh, tiềm năng quảng bá hình ảnh đất nước và quảng bá du lịch.

Trong việc phát triển, mở rộng thị trường điện ảnh, Việt Nam không thể so sánh với các thị trường lớn mạnh ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ngay trong khu vực Đông Nam Á, ta cũng đang phải đuổi theo Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế nên gắn điện ảnh vào mọi hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, ngoại giao… Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân đưa phim Việt Nam phát hành và chiếu ở nước ngoài, quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm “ăn theo” phim sau thời gian chiếu như nhiều nước đã làm.

“Khi đưa phim Việt ra nước ngoài, tôi nghĩ rằng nên có 3 cấp độ. Thứ nhất là các tuần phim ở các nước. Thứ hai là đưa phim đến các liên hoan phim quốc tế. Quá trình này phụ thuộc vào tiêu chí của ban tổ chức và chất lượng của tác phẩm. Thứ ba là phát hành phim ở thị trường quốc tế. Ngoài “Hai Phượng”, “Bố già” hầu như phim Việt không thể ra rạp quốc tế” – bà Ngô Phương Lan đề xuất.

Theo Huyền Chi/Lao Động

Có thể bạn quan tâm