Về trang chủ Giải trí Phim tình cảm gia đình tiếp tục hút khách

Phim tình cảm gia đình tiếp tục hút khách

Sau đại dịch Covid-19, có một điều đáng chú ý: đa số phim Việt ăn khách đều là phim lấy đề tài gia đình làm chủ đạo.

Cụ thể như Nhà bà Nữ (475 tỉ đồng), Lật mặt 7: Một điều ước (456 tỉ đồng), Bố già (426 tỉ đồng), Làm giàu với ma (119 tỉ đồng)…, thậm chí có những phim dù nói đến chuyện yêu đương nhưng vẫn lồng vào tình cảm gia đình như Mai (524 tỉ đồng) hay phim kinh dị nhưng đậm yếu tố về tình mẫu tử như Ma da (126,9 tỉ đồng).

Phim kinh dị mới nhất, ra rạp ngày 20.9 là Cám cũng đưa mối quan hệ gia đình kèm những bất ổn trong việc đối xử giữa cha mẹ với con cái, chị với em và ngược lại vào nội dung. Cô dâu hào môn do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, khởi chiếu ngày 18.10 cũng mang đậm đề tài về gia đình, về môn đăng hộ đối của giới thượng lưu.

Lâm Thanh Mỹ vào vai Cám trong phim Cám

ẢNH: ĐPCC

Theo nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm, thì chủ đề tình thân gia đình lên ngôi trong thời gian qua vì gần gũi và truyền đi những giá trị mang tính nhân văn của người Việt, phù hợp với số đông. Khán giả Việt ưa thích những chủ đề gần gũi với nhân sinh quan của họ.

“Điểm chính của những bộ phim thuộc xu hướng này là khai thác tình phụ tử, mẫu tử nên dễ tạo được sự xúc động hay chiêm nghiệm cho khán giả vì đề cao các giá trị của tình thân. Về cách thể hiện, nhiều bộ phim có cùng công thức khai thác chất liệu bình dân, bắt đầu từ những mâu thuẫn, những chấn thương, những hiểu lầm giữa bố mẹ và con cái rồi tạo ra một cú bùng nổ cảm xúc để hòa giải và cuối cùng thấu hiểu nhau. Có lẽ những chất liệu và cách xử lý kiểu này dễ tạo được sự đồng cảm của số đông khán giả và được họ chấp nhận, cho dù hầu hết các phim thuộc thể loại này vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết về cách kể bằng ngôn ngữ điện ảnh”, ông Lâm nói.

Tuấn Trần (vai Lanh) và Hoài Linh (ông Đạo) trong phim Làm giàu với ma
ẢNH: ĐPCC

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Võ Thanh Hòa nhận định đề tài gia đình rất thân thuộc với người Đông Á. Hầu như yếu tố gia đình đã xuất hiện ở các tác phẩm ăn khách từ trước đến nay rồi. Cuộc sống người Việt xoay quanh gia đình nên đề tài này luôn gần gũi, quan trọng là làm có hay, có cảm xúc hay không thôi. Nhiều người có thể làm phim có yếu tố gia đình nhưng để trở nên tinh tế, tạo được cảm xúc thì không phải ai cũng làm được.

Cảnh trong phim Cô dâu hào môn

ẢNH: ĐPCC

Nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng thì cho rằng có vẻ sau một đại dịch khủng khiếp, trải qua những mất mát, khán giả có xu hướng quay về và đồng cảm với những câu chuyện tình cảm gia đình. “Hiện nay, cách thể hiện đề tài này ở các phim đạt doanh thu cao có nhiều điểm nhấn mới. Thứ nhất, phải độc/lạ để hút khán giả. Thứ hai, dù món chính là tình cảm gia đình nhưng chủ đề phim là sự giao thoa rất đại chúng của thế hệ trẻ (con cái) và thế hệ người lớn (bố mẹ), vì vậy phim phải tiếp cận được đa số khán giả trẻ. Thứ ba, thể loại tình cảm gia đình rất cũ nên cách kể phải mới, không bi lụy, không cố gắng lấy nước mắt khán giả, mà nhịp kể phải nhanh, hiện đại, sử dụng âm nhạc và các thủ pháp điện ảnh trẻ trung để khán giả tự đồng cảm”, anh nhận xét.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm