Vừa qua, tại TP HCM, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở”, với sự tham của nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Quang Sáng, PGĐ VTV Digital phát biểu khai mạc
Hội thảo “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở”, do Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam (VTV Digital) phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện.
Sự kiện nhằm định hướng phát triển các mô hình đô thị, giải bài toán thiếu nhà ở, quá tải hạ tầng hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán nhà ở cho người dân TP Hồ Chí Minh, trước mắt cần phát triển da dạng các mô hình đô thị trong thành phố và các tỉnh lân cận nhằm tăng nguồn cung nhà ở; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với nhu cầu nhà ở của người dân theo từng khu vực…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 3/2020 Thành phố Thủ Đức sẽ đi vào hoạt động. Theo đó, thành phố sẽ hình thành mô hình đô thị phức hợp như: Khu đô thị Đại học, Đô thị Công nghệ cao, Đô thị nông nghiệp sinh thái, đô thị thể thao, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm… Ngoài ra, còn hàng loạt các mô hình đô thị khác cũng đang dần hình thành xung quanh TP Hồ Chí Minh và ở các tỉnh lân cận thành phố.
Theo ông Tuấn, xây dựng các khu đô thị vệ tinh là giải pháp căn cơ vừa chỉnh trang đô thị, giải quyết bài toán quá tải hạ tầng, nén dân số tại khu vực trung tâm, đồng thời cũng giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.
“Tuy nhiên, khi hình thành bất kỳ một đô thị mới cũng cần có chính sách thu hút người dân về ở. Vì thế, TP Hồ Chí Minh đang đưa ra các giải pháp về quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết từng khu đô thị, đồng thời tạo các cơ chế chính sách thông thoáng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ…”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vừa trải qua một năm đầy biến động do tác động của dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là hiện có nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Do tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” trong lúc nhu cầu quá cao, làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
“Tuy nhiên, dự báo bước sang năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ là cú hích”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, quy hoạch phát triển đô thị gắn liền với giải quyết bài toán nhà ở là vấn đề cốt lõi của TP.HCM.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, hiện nay vẫn còn xung đột giữa pháp luật về đất đai với luật chuyên ngành như đầu tư, đấu thầu… khiến luật ra sau có thể phủ nhận luật trước.
Theo ông Thọ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất xây dựng trung tâm phát triển quỹ đất ở các địa phương, để tạo ra quỹ đất sạch. Từ đó thực hiện thành công vấn đề này cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân.
“Chỉnh trang đô thị phải được tiến hành theo phương pháp “dồn điền đổi thửa” nhằm phát triển hạ tầng, tạo điều kiện kết nối giao thông. Đây là giải pháp có tính mấu chốt, đặc biệt đối với các đô thị lớn như TPHCM khi cơ sở hạ tầng đang trong tình trạng quá tải”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.
KTS Arnon Snapir chia sẻ về các mô hình đô thị
Tại hội thảo, ông Arnon Snapir, thành viên Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ AIA cho rằng, trong quá trình phát triển các khu đô thị, thách thức lớn nhất là không để mất đi đất nông nghiệp, không mất đi sự phát triển cân bằng cho tương lai vì có những khu đất phải để trống để trở thành vùng trữ nước, giảm ngập úng. Quy hoạch phải giải quyết được câu chuyện này.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho rằng, trong quá trình phát triển các khu đô thị và hình thành các sản phẩm bất động sản, vấn đề nan giải là quỹ đất sạch.
Theo ông Quang, cần có chính sách phát triển đô thị hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và lợi ích của người dân.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT
Để đảm bảo được yếu tố hài hòa này, cần xây dựng cơ chế chính sách và nguồn lực để thực hiện. Trong đó, cần có cơ chế chính sách pháp luật để người dân đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng thì mới khả thi.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp (giá từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống) giảm từ 51% năm 2019 xuống còn 1% vào năm 2020. Đây là con số báo động cho sự lệch pha của cơ cấu nhà ở, đòi hỏi các chính sách cần thiết để ổn định thị trường nhà ở.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nhà ở xã hội tại thành phố cũng chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 3% tổng diện tích sàn xây dựng. Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP Hồ Chí Minh có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng cung ứng hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở ra thị trường (tương ứng khoảng 17.900 căn hộ). Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn này lên tới 80.000 căn hộ.
Để giải bài toán nhà ở cho người dân, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Sử dụng quỹ đất 20% đất ở tại các dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tiếp tục Cải cách hành chính, đơn giản thủ tục trong việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất; Đồng thời khi xây dựng thành phố Thủ Đức, thành phố sẽ ưu tiên quỹ đất để dành cho nhà ở xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội…
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai các dự án nhà ở xã hội và có khả năng cung ứng 36,47 triệu m2 sàn nhà, tương đương 329.471 căn nhà, đáp ứng cho khoảng 1,08 triệu người. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, thành phố cần tới nguồn vốn 965.000 tỷ đồng để đầu tư và 3.541 ha quỹ đất.
Hiền Vũ (Theo TTV)