Lương Đình Dũng là một đạo diễn đang lên của điện ảnh Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” trên đấu trường quốc tế. Phóng viên Lao Động phỏng vấn anh nhân câu chuyện Netflix đầu tư 2,5 tỉ USD vào Hàn Quốc để sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh và chương trình truyền hình.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, theo anh điện ảnh Việt Nam phải làm gì để thu hút sự đầu tư của Netflix?
– So với điện ảnh Việt Nam, điện ảnh Hàn Quốc đang lan rất mạnh đi khắp thế giới, là một mũi nhọn trong phát triển văn hóa và kinh tế của Hàn Quốc. Để có được thành quả đó, điện ảnh Hàn đã được xây dựng một nền tảng vững chắc từ khoảng 3 thập kỉ trước. Họ đã tạo ra một môi trường coi trọng điện ảnh, môn nghệ thuật có tính thích ứng thời đại và đầu tư bài bản bằng cách gửi đi đào tạo nhiều thế hệ người làm điện ảnh để tạo ra một ngành điện ảnh phát triển từ gốc là nội địa và giữ được bản sắc Hàn Quốc.
Đặc biệt, tôi thấy nhiều nhà làm phim Hàn Quốc có tính tự giác về mặt tinh thần dân tộc, tự tôn và chân thành với những tác phẩm của chính mình, vì thế họ không ngại học hỏi để nâng tầm lên…
Các nhà đầu tư Netflix đã nhìn thấy phim Hàn có thương hiệu tốt, có khả năng cạnh tranh ngang hàng với các thương hiệu điện ảnh tầm cỡ thế giới khác khi phát hành ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, nhân lực của Hàn Quốc trong ngành làm phim có thể đáp ứng được mọi điều kiện cho các đoàn phim quốc tế ở những hạng mục cao, ngoài việc xuất khẩu phim, thậm chí họ còn xuất khẩu cả nhân sự ra nước ngoài.Việt Nam muốn có được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế vào điện ảnh thì trước tiên phải có năng lực nội địa, mà nó phải là thực chất, đội ngũ sản xuất phải tốt để đáp ứng công việc sản xuất phim ở cấp quy trình quốc tế, bởi sản xuất phim có quy trình rất chuyên nghiệp, nhân sự phải đáp ứng ở các hạng mục cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để phát triển bền vững lâu dài, chúng ta phải tạo ra một thương hiệu của điện ảnh Việt Nam có tầm cỡ, nếu không họ có vào thì chúng ta chẳng khác những người làm thuê thụ động và thỉnh thoảng có đoàn phim theo kiểu ăn may. Còn một thực tế nữa là các trường điện ảnh của Việt Nam đào tạo còn thiếu các chuyên ngành cơ bản phục vụ cho một đoàn phim. Sau đó là chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim quốc tế…
Anh có đề xuất giải pháp cốt lõi nào để điện ảnh Việt ngày càng bứt phá mạnh mẽ ghi dấu ấn tại các LHP quốc tế uy tín?
– Phải có chính sách đầu tư chiến lược. Một Quỹ phát triển điện ảnh đầu tư khoảng 200 tỉ đồng/năm, dành cho những êkip giỏi để thực hiện 10 phim/năm, đạt được tiêu chí nghệ thuật để tham gia phát hành các thị trường cũng như tham dự LHP, qua đó điện ảnh Việt Nam mới có thể đi nhanh hơn được.
Nếu có thể thì Ngân hàng Nhà nước hay các Ngân hàng tư nhân nên cho phép các nhà sản xuất vay vốn sản xuất phim khi dự án đó có mức an toàn cao, thậm chí ngành bảo hiểm cũng nên có chính sách mua bảo hiểm cho cả bộ phim như ở nước ngoài, chứ không phải nhân sự phim như hiện tại.
Tôi muốn khẳng định rằng, LHP là nơi quảng bá điện ảnh quốc gia tốt nhất, cứ nhìn Hàn Quốc thì thấy rõ điều ấy và cả Trung Quốc nữa. Chúng ta có thể phải có một Ủy ban Phát triển Điện ảnh tập trung để phát triển thương hiệu của điện ảnh Việt. Tất nhiên phải chọn được những người có tầm nhìn xa, có tâm, có tài. Còn hiện tại rất nhiều phim Việt bị “lai căng” trong cách kể câu chuyện và diễn xuất của nhiều diễn viên pha một tí Hàn, một tí Hollywoord thỉnh thoảng lẫn lộn giữa sân khấu và điện ảnh.
Tuy nhiên, họ lại chi phí cho truyền thông rất mạnh để biến những cái đó thành tiêu chuẩn mới và lâu dần vô hình trung những thứ đó trở thành tiêu chuẩn của điện ảnh thì đó chính là nguy cơ gây hại cho nền điện ảnh Việt. Nó chỉ phục vụ một số ít nhà sản xuất, nhưng nếu nhìn dưới tầm nhìn của một nền điện ảnh quốc gia thì chắc chắn đó sẽ là bất lợi…
Theo Báo Lao Động