Về trang chủ Nổi bật Phải lo mất điện như thiếu không khí để thở

Phải lo mất điện như thiếu không khí để thở

Cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm và đã nhiều năm rồi, người Việt mới lại lo một nỗi lo cũ… thiếu điện, mất điện!

Hơn 1.000 con gà của chủ trang trại ở Diễn Châu, Nghệ An chết ngạt do mất điện đột ngột, đau xót biết bao khi đó là tài sản tích cóp bao năm tháng của người nông dân.

Cả ngành du lịch, nghỉ dưỡng Quảng Ninh chạy đôn đáo kêu cứu vì mất điện. Sau 2 năm lao đao vì đại dịch , mất điện sẽ khiến họ không thể giữ chân khách được du lịch trong mùa cao điểm một năm mới có một lần.

Mất điện, cơ hội để những chủ nhà nghỉ, khách sạn hồi phục sau kỳ nghỉ đông dài vì Covid-19 dường như bị bóp nghẹt trước tình huống “dở khóc, dở cười” bởi du lịch lấy gì cạnh tranh với khu vực khi điện chiếu sáng cũng mất! Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn hệ quả mà mất điện mang đến cho nền kinh tế.

Ngày 3/6, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời về tình hình cung ứng điện tại miền Bắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã phải thừa nhận thiếu điện không còn là nguy cơ mà là hiện hữu, thực tế. Trước đó vài ngày, Điện lực Hà Nội đã lý giải hiện trạng cắt điện nhiều nơi ngay trong nội đô Hà Nội vì “để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp”.

Chưa bao giờ, chúng ta chứng kiến một sự vận hành các mặt hàng thiết yếu lại mong manh, dễ thiếu và dễ mất như hai năm qua. 2022 – chỉ một năm sau khi doanh nghiệp, người dân phục hồi sau Covid-19, nền kinh tế đã chứng kiến những dị biệt trong chuỗi cung ứng thuốc men, xăng dầu, bệnh viện thiếu thuốc, đại lý thiếu xăng.

Chưa năm nào chúng ta thấy cảnh hàng dài người rồng rắn xếp hàng chờ mua xăng dầu như thời bao cấp cách đây hơn 4 đến 5 thập niên sau giải phóng. Sang năm 2023, khi vấn đề dị biệt của thị trường xăng dầu tạm yên, người dân và doanh nghiệp lại đối diện với nỗi lo lớn hơn: Thiếu điện, cắt điện.

Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và nhiều thành phố phồn hoa với ánh đèn điện lung linh, minh chứng cho sức sống, sự phát triển đô thị Việt Nam những ngày qua phải thay đổi bằng hình ảnh mịt mờ ánh sáng để tiết kiệm điện. Nhiều khu phố tối sầm, bảng quảng cáo tắt lịm và điện chiếu sáng “bóng bật, bóng tắt” càng cho thấy những hệ quả thiếu điện tác động lớn đến nhường nào.

Rõ ràng ai đó cần phải chịu trách nhiệm về những hệ quả này và tổn hại gây ra và người ta nói nhiều, quy trách nhiệm nhiều cho EVN, cho Bộ Công Thương, cho những người hoạch định về cơ chế phát triển ngành điện!

Về chủ quan, EVN và Bộ Công Thương là đối tượng chịu chỉ trích nặng nề nhất về việc thiếu điện, mất điện với tư cách là doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chuỗi cung ứng và Bộ chủ quản ngành điện. Tuy nhiên, họ đã gắng cạn, không thể làm gì hơn. Chiếc áo chật của cơ chế ngành điện, cộng với những dị biệt của thiên nhiên, thị trường chưa cạnh tranh đã làm tăng thêm khó khăn chất chồng cho ngành điện.

Nguyên nhân tình thế của thiếu điện, mất điện được các nhà điều hành điện giải thích là do El Nino gia tăng khiến nhu cầu sử dụng điện cao, trong khi các hồ thuỷ điện thiếu nước, cạn trơ đáy và đang ở mực nước chết.

Chưa chưa bao giờ tự nhiên lại thử thách chúng ta lớn như vậy, EVN thông báo 11/47 hồ thuỷ điện đang ở mực nước chết, 21/47 hồ thủy điện lớn dung tích còn lại dưới 20%…  miền Bắc thực tế sẽ thiếu từ 1.600 MW đến 4.900 MW.

Đối với nhiệt điện than, hai năm qua, chúng ta chứng kiến sự tăng giá bất thường từ 60% đến 130% giá nhập khẩu than cho nhiệt điện. Các nhà máy nhiệt điện than đều trong cảnh mất cân đối tài chính, không có tiền trả chậm cho than phải mua chịu, vay than để phát điện.

Giá đầu vào mua than cao, trong khi giá bán điện bị neo giữ mức thấp hơn giá thành bán ra, khiến EVN mất tự chủ về vốn đầu tư cho ngành điện trong trung và dài hạn.

Công ty mẹ EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng do phát điện trong năm 2021-2022. Thiếu tiền, mất cân đối tài chính khiến một số nhà máy nhiệt điện phải “nhịn” duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Theo báo cáo của EVN, năm 2022 và 2023, các nhà máy điện của EVN sẽ phải tiết giảm tối đa chi phí bảo dưỡng, bảo hành để tối ưu hoá hiệu quả tài chính.

Và chính lúc khó khăn nhất theo thông báo của Bộ Công Thương 3 nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Vũng Áng, Cẩm Phả và Phả Lại với công suất khả dụng hơn 2.000 MW gặp sự cố, phải đến giữa tháng 7/2023 mới vận hành hoàn tất trở lại.

Nguyên nhân tình thế là vậy nhưng sâu xa, để xảy ra hiện trạng thiếu điện, mất điện có nguyên nhân từ cách vận hành thị trường điện. Việt Nam đã có thị trường phát điện cạnh tranh, nguồn điện ngày càng đa dạng, nhiều nhà cung cấp như thuỷ điện, điện than, điện khí hoá lỏng, điện tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối..). Các nguồn điện này, EVN chỉ chủ động trên 50% , còn lại đều phải mua lại từ các nhà phát triển điện khác của PVN, TKV hay tư nhân với giá hạch toán thị trường phát điện cạnh tranh.

Hiểu đơn giản, EVN độc quyền truyền tải, được lựa chọn mua điện theo giá cạnh tranh từ thấp đến cao, tự điều tiết, điều độ điện. Đầu vào có nhiều lựa chọn, song đầu bán ra, EVN không được quyền bán theo giá thị trường, để đảm bảo giá điện ổn định, không tác động tăng lạm phát, chi phí đẩy cho doanh nghiệp, Nhà nước vẫn duy trì việc định giá bán lẻ điện và bàn tay Nhà nước can thiệp khiến thị trường điện ở trong trạng thái nhiều người bán, chỉ một người mua và một mức giá bán duy nhất.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được đưa ra từ hàng chục năm nay, song đến nay vẫn chưa có tín hiệu cho thấy được thông qua. Duy trì tình trạng này, ngành điện Việt Nam sẽ còn mất cân đối, bằng chứng là 5-7 năm qua, không có nhà máy điện nào của EVN được đầu tư.

EVN là doanh nghiệp độc quyền ngành điện với những đặc ân và đi kèm với gánh nặng rất lớn về an ninh năng lượng. Người ta đổ lỗi cho EVN về tình trạng thiếu điện, mất điện hiện nay không oan, song điều cũng cần nhìn rộng, giải bài toán căn cơ mà nhiều chuyên gia chỉ mặt, đặt tên từ nhiều năm trước là phát triển thêm nguồn điện mới, sớm đưa vào vận hành thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, tách bạch hoàn toàn vấn đề truyền tải và phát điện của EVN, tiến tới tư nhân hoá truyền tải điện quốc gia.

Thế hệ những người trưởng thành hôm nay đã từng trải qua tuổi thơ dữ dội của việc không có điện, thiếu điện, cắt điện, không ai muốn sau hàng chục năm phát triển, kịch bản này lại lặp. Tình trạng thiếu điện, cắt điện như hiện nay không thể xảy ra. Phải xem việc thiếu điện như thiếu không khí để thở, nó không chỉ tước đoạt đi điều kiện sống tối thiểu của xã hội hiện đại mà còn là gánh nặng, món nợ của hôm nay đè nặng lên vai của thế hệ tương lai.

Theo Báo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm