“Văn hóa phải được xem là lĩnh vực tổng thể trong xã hội, những lợi ích mà văn hóa mang lại cho các lĩnh vực kinh tế xã hội khác phải tính cho thành tích của văn hóa. Cần phải lấy những lợi ích đó để bù đắp cho văn hoá, chứ không thể bắt văn hóa đi kiếm tiền được”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
Tránh “tham bát, bỏ mâm”
+ Chuyện đề xuất thu phí khách tham quan ở phố cổ Hội An đã và đang nhận được nhiều tranh cãi với những ý kiến trái chiều trong dư luận. Vấn đề thu vé, tăng phí lâu này luôn là chủ đề nóng trong xã hội. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
– Việc thu phí khách tham quan ở phố cổ Hội An là vấn đề không mới. Từ năm 1995, Hội An đã áp dụng thu phí du khách, và từ năm 2012 áp dụng mức giá 90 nghìn đồng với khách Việt Nam, 120 nghìn đồng với khách nước ngoài. Nhưng vì sao gần đây, thông tin này lại gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận như vậy. Theo tôi, đây là bài học kinh nghiệm về truyền thông chính sách cũng như quản lý văn hóa, di sản nói chung.
Khi nguồn lực Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực xã hội bằng nhiều cách, trong đó có nguồn thu từ vé được xem là một trong những giải pháp khả thi nhất. Thế nhưng, chúng ta đều biết, tất cả những gì liên quan đến thu tiền, tăng giá đều rất nhạy cảm, dễ khiến dư luận phản đối hơn đồng cảm. Chính vì vậy, mỗi khi ban hành một quyết định nào đó, luôn cần những đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, văn hóa và cũng cần phải thăm dò dư luận.
Đối với các di tích, hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật nói chung, càng cần có sự thận trọng hơn thế. Nếu không có kế hoạch truyền thông tốt, giải thích rõ ràng, rất dễ gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận.
Trước khi ban hành phương án tăng cường quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An vào ngày 27/3, không biết cơ quan quản lý ở đó có lường trước được điều này hay không? Tuy nhiên, từ sự phản ứng của dư luận, có lẽ dường như Hội An đã không tính toán hết được tác động tiêu cực từ phương án này.
+ Không ít khu di tích, văn hoá lâu nay buộc phải thu vé để có thêm nguồn thu duy trì. Còn về mặt lâu dài, việc thu vé, tăng phí này có thực sự mang lại hiệu quả, thưa ông?
– Đúng là tiền thu từ vé có thể đem lại một khoản thu nhất định, giúp địa phương có nguồn lực giải quyết ngay một số bức xúc, cần thiết trong bảo tồn, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, những tranh luận hiện nay cũng đáng suy nghĩ, bởi có thể gây ra hình ảnh xấu xí đối với Hội An theo cách tận thu, thậm chí đánh mất hình ảnh hiếu khách, vốn là thương hiệu quý của thành phố, cũng như có thể rơi vào tình trạng “tham bát, bỏ mâm” khi khách du lịch có thể quay lưng.
Thử hình dung khi vắng khách, những khách sạn, hàng ăn, quán cafe, cửa hàng bán đồ thủ công, may mặc… sẽ vắng khách. Lúc đó, những nỗ lực xây dựng thương hiệu bao nhiêu năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Tất cả vấn đề này cần phải nằm trong tầm bao quát của những người đưa ra quyết định ở Hội An.
Lan toả giá trị thay vì thu phí
+ Vậy theo ông, sau sự việc này, cần rút ra bài học gì về quản lý văn hoá, di tích nói chung?
– Với văn hoá, di tích, không nên chỉ nghĩ đến những nguồn thu trước mắt mà không tính đến chuyện lâu dài. Các nước không ai làm thế cả, nhưng vì cách quản lý của chúng ta còn có vấn đề, luôn đòi di tích phải tự nuôi di tích, lễ hội phải tự nuôi lễ hội, mà không tính toán được khi phát triển du lịch, thu hút khách cho lễ hội, sẽ có tác động lan toả sang các lĩnh vực khác. Tất cả những sự lan toả đó đều phải được tính cho di tích chứ, nếu không các di tích sẽ chẳng bao giờ tự nuôi được mình.
Thử lấy ví dụ như Bảo tàng Anh (British Museum) hay Bảo tàng tranh quốc gia Anh (National Gallery) họ đều không thu tiền khách tham quan, khách vào miễn phí, cho dù ở đó có rất nhiều bộ sưu tập, tác phẩm quý giá nhất trên thế giới, thậm chí là vô giá.
Thay vì thu phí, Chính phủ Anh lấy tiền từ khách du lịch chi tiêu cho các lĩnh vực khác, như khách sạn, giao thông, mua đồ lưu niệm, ăn uống… tạo điều kiện hỗ trợ để hình thành nên các quỹ tín thác, quỹ bảo tồn di sản để bảo trợ cho các thiết chế văn hóa này.
Cũng như khi khách đến với Hội An, họ ăn ở, mua sắm, đi lại, nghĩa là họ đã tiêu thụ di sản phố cổ một cách gián tiếp. Tất cả những lợi ích đó phải được tính cho cả khu phố cổ. Qua đây, cũng nên nghĩ đến việc hình thành Quỹ bảo tồn di sản Hội An dưới sự bảo trợ của Nhà nước, hoặc xã hội hóa. Chúng ta cần có chính sách cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan để tạo ra nguồn thu cho các di tích.
Nhìn rộng ra với các di tích, bảo tàng, thư viện hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật cũng phải được xem xét bằng con mắt rộng mở như vậy. Làm được điều đó, chúng ta mới thấy tác động lan tỏa, tích cực của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, giúp cho những người đầu tư cho văn hóa không có cảm giác đây chỉ là lĩnh vực tiêu tiền, không kiếm được tiền cho xã hội.
+ Về lâu dài, việc đầu tư cho văn hoá, di sản phải được coi trọng ra sao, để tạo ra sự lan toả, thu hút du khách trong và ngoài nước, kích thích sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” này, thưa ông?
– Theo tôi, đây là một vấn đề liên quan đến bản chất sâu xa hơn là khai thác giá trị di sản cho phát triển kinh tế – xã hội ở một địa phương và cả đất nước. Với nhiều người, việc di tích phải tự trang trải là một chính sách. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Dù rằng, quan điểm lấy di tích nuôi di tích, lấy lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật nuôi sự kiện văn hóa nghệ thuật sẽ giúp cho những nhà quản lý phải năng động hơn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, văn hóa có một logic đặc biệt, đó là khả năng lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Đó là lý do nhiều quốc gia trên thế giới rất cân nhắc trong việc thu phí vào các di tích, bảo tàng hay hưởng thụ nghệ thuật công cộng.
Văn hoá phải được xem là lĩnh vực tổng thể trong xã hội, nên tác động của lợi ích mà văn hoá mang lại cho các lĩnh vực khác thì phải tính cho thành tích của văn hoá, và phải lấy những lợi ích đó để bù vào cho văn hoá, chứ không thể bắt văn hoá đi kiếm tiền được. Tất nhiên, nếu văn hoá kiếm được tiền càng tốt, nhưng không phải lĩnh vực nào cũng làm được như vậy. Cần cố gắng tạo tinh thần cho văn hoá phải thích nghi với kinh tế thị trường, phải năng động, tích cực, xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu…để từ đó mang lại nguồn thu được đồng nào hay đồng đó, chứ không phải bắt đi kiếm tiền bằng mọi cách.
Đó phải là quan điểm quản lý cơ bản, thống nhất. Đầu tư cho văn hoá, di sản, hay di tích…phải coi là đầu tư cho phát triển. Đó phải được coi là vốn mồi để phục hồi di tích, thu hút du khách trong, ngoài nước, từ đó lan toả trong các lĩnh vực kinh tế xã hội khác. Điều quan trọng là nhận thức về đầu tư cho văn hoá, phát triển văn hoá như thế nào, từ đó sẽ có cách quản lý, đầu tư như thế nào cho phù hợp. Ngay như chính sách bỏ phí visa tới đây cũng phải theo tư duy như vậy, thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, nếu tạo ra được sự lan toả như vậy, số tiền thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với tiền có được đơn thuần chỉ từ phí visa.
Trân trọng cảm ơn ông !
Theo Báo Tiền Phong