Về trang chủ Giải trí “Ông trùm cá sấu” miền Tây hát cải lương tại Nông Dân Xin Chào

“Ông trùm cá sấu” miền Tây hát cải lương tại Nông Dân Xin Chào

Tuần này, Nông Dân Xin Chào sẽ đưa khán giả ghé thăm Đồng Nai với khách mời nông dân Võ Hữu Thời. Sau đó khán giả sẽ trở lại mảnh đất Bến Tre với nông dân Đào Duy Anh và nông dân Trương Thanh Mai (Bạc Liêu) trong tập 11 và 12.

Không chỉ là sân chơi giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những người nông dân, chương trình Nông dân xin chào còn mong muốn kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu những làng nghề truyền thống đến với khán giả truyền hình, qua đó ca ngợi tinh thần hăng say làm việc của con người Việt Nam.

Tại đây, người nông dân còn có cơ hội gặp gỡ cùng những nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, diễn xuất, ảo thuật,… để cùng hát ca, giao lưu, thể hiện tài năng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Mỗi tập phát sóng của Nông dân xin chào có cấu trúc gồm 3 phần. Phần 1 phác họa chân dung và thành tựu của nhân vật. Phần 2 là giao lưu về con đường đi đến thành công, những sáng tạo, sáng chế đột phá giúp phát triển ngành, lĩnh vực mà người nông dân đó đang tham gia sản xuất. Cuối cùng là phần giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng.

Đầu tiên, khán giả sẽ đến thăm Đồng Nai với sự tham gia của nông dân Võ Hữu Thời cùng người kết nối là NSƯT Vũ Thành Vinh. Hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp, Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2019 ở tỉnh Đồng Nai sở hữu nông trại Thuận Thời với diện tích 17 ha. Ông kể về quyết định từ bỏ việc chăn nuôi để làm du lịch trước khi dịch tả heo châu Phi tràn vào. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm là kế hoạch đón đầu cơ hội mới từ sân bay Long Thành của lão nông Võ Hữu Thời.

Khởi nghiệp từ việc trồng cây cao su và chăn nuôi heo, nông dân Võ Hữu Thời tìm hiểu và học hỏi thông qua việc đọc báo, xem tivi và giao lưu với các anh em, những trang trại khác. Ngoài tinh thần học hỏi, người nông dân này còn cho thấy được tầm nhìn chiến lược đi trước một bước khi mạnh dạn chuyển hướng đầu tư du lịch quê nhà.

Tận dụng việc sở hữu quỹ đất nằm sát khu sân bay, ông làm đường, trồng cây kiểng và hoa để “đón gió”. Theo ông, xu hướng nông nghiệp kết hợp với du lịch hiện nay là xu hướng tức thời và phát triển. Ông chia sẻ để hiện thực hóa được việc kinh doanh ngành du lịch, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân ông còn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo nhất là hội nông dân tỉnh Đồng Nai.

Theo nông dân này, làm nông nghiệp ở thời 4.0 trước hết cần phải kiên trì, học hỏi. Bên cạnh những thành công, sẽ có đôi lần trải qua những thất bại nhưng phải quyết đoán, mạnh dạn biến những thử thách đó thành bài học, kinh nghiệm cho những lần sau.

Ở tuổi 60, ông vẫn hăng say làm việc và tích cực tham gia các hoạt động thiện nghiện hướng đến cộng đồng, mở rộng vòng tay đến với những cảnh đời khó khăn. Những người không có đất hoặc không có nhà ông giúp đỡ mua gạch để xây giúp bà con.

Kết thúc phần trò chuyện, nông dân Võ Hữu Thời song ca Anh còn nợ em cùng ca sĩ Huy Luân. Cả hai đã đem lại những giây phút trầm lắng, nhiều tâm trạng. Trong những giây cuối của chương trình là sự xuất hiện đầy bất ngờ của bà xã nông dân Hữu Thời. Vợ chồng nông dân này đã có những khoảnh khắc ngọt ngào và chia sẻ xúc động về chặng đường sát cánh bên nhau.

Kết thúc câu chuyện lão nông Võ Hữu Thời, khán giả tiếp tục ghé thăm nông dân trẻ Đào Duy Anh – người đã tiên phong mang giống cây quý hiếm chanh ngón tay hay còn gọi là chanh trứng cá từ Úc về Việt Nam.

Là một người con của Bến Tre, lại chọn ngành nông nghiệp để theo học, Đào Duy Anh từ lâu đã biết bản thân sẽ gắn bó với nghề nông. Cách đây 5 năm, trong một lần tình cờ, Duy Anh phát hiện giống chanh lạ có hình dáng như ngón tay nên nhập 20 cây về trồng thử. Anh cho biết, giá nhập lúc đó cao gấp 25 lần so với các loại chanh hiện có tại nước ta. Giống chanh mới có xuất xứ từ nước Úc có lá nhỏ hơn chanh thường và rất nhiều gai, chiều cao tối đa có thể lên đến trên 10m

Anh Duy Anh nhận thấy nông nghiệp ngày nay gặp rất nhiều khó khăn, bà con nông dân làm nhiều nhưng giá trị mang lại thì ít. Chính vì thế, anh nông dân Duy Anh mong muốn đem đến một cái tư duy thật mới lạ, phục vụ cho tầng lớp có tiền để mang lại giá trị kinh tế cao. Anh chia sẻ: “Trong thời đại 4.0 hiện nay muốn thành công thì cần có 4 yếu tố tư duy, cần cù, thông minh và may mắn”.

Điều mà anh tâm đắc đó là trong quá trình làm nghề đã tạo ra được sản phẩm cung cấp cho người Việt sử dụng, đồng thời đem lại công ăn việc làm cho bà con nông dân, giúp họ có cuộc sống ổn định và tốt hơn.

Trong tương lai, anh muốn mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và một số nhà kinh doanh ở thị trường Úc, Châu Âu,… Sắp tới, anh cũng sẽ nâng cấp đa dạng hoá sản phẩm chanh ngón tay. Ví dụ trồng cây chanh ngón tay trong chậu để khách hàng có thể ngắm và thưởng thức chanh tại nhà. Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, nông dân Đào Duy Anh có phần song ca vô cùng bất ngờ cùng ca sĩ Lâm Vũ qua bài hát “Tình cha”.

Sau cùng là nông dân Trương Thanh Mai xã Vĩnh Thanh, Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ông là một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi cá sấu tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Sở hữu trang trại lớn nhất Tây Nam Bộ với hơn 40 ngàn thực thể cá sấu, xuất khẩu hàng ngàn thương phẩm mỗi năm, đạt thành tích Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018, nông dân Trương Thanh Mai được mệnh danh là “ông trùm cá sấu miền Tây”.

Trương Thanh Mai đến từ xã Vĩnh Thanh, Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Là một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi cá sấu tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Sở hữu trang trại lớn nhất Tây Nam Bộ với hơn 40 ngàn thực thể cá sấu, xuất khẩu hàng ngàn thương phẩm mỗi năm. Đạt thành tích Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018.

Với sự táo bạo, tìm tòi ham học hỏi cái mới, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân Trương Thanh Mai từ lâu đã được mệnh danh là vua cá sấu miền Tây.

Để có được thành công, ông đã trải qua quá trình học học và nếm mùi thất bại nhiều lần. Sau mỗi lần thất bại, ông rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để từ đó xây dựng được quy trình nuôi cá sấu mang lại hiệu quả cao.

Nói về lý do lựa chọn cá sấu để khởi nghiệp, nông dân Trương Thanh Mai cho biết tận dụng nguồn thức ăn dồi giàu cá rô phi nên ông quyết định nuôi thử nghiệm 100 con cá sấu.

Thấy được hiệu quả kinh tế cao mà cá sấu mang lại, ông quyết định nhân rộng mô hình. Không giữ làm của riêng minh, người nông dân mang những gì mình đúc kết được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân.

Tại chương trình, ông cũng chỉ ra những thiếu sót của những cơ sở nuôi cá sấu tự phát dẫn đến nguy hại cho cộng đồng. Theo ông, chuồng trại phải đảm bảo an toàn, kiên cố, phải có hệ thống rào bảo vệ. Trong chăn nuôi, lúc nào cũng có rủi ro về dịch bệnh, thời tiết thất thường, giá cả thị trường lên xuống không ổn định. Chính vì thế để có thể trụ vững, theo nông dân Thanh Mai cần áp dụng khoa học kỹ thuật. Yếu tố môi trường và nguồn thức ăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng.

Năm 2002, 2003 là những năm khó khăn nhất đối với những người nuôi cá sấu vì giá chạm đáy. Để giải quyết khó khăn, cách duy nhất là tự tìm đầu ra bằng việc xúc tiến thương mại qua nhiều nước trên thế giới.

Các thương phẩm làm từ cá sấu của nông dân này đã có mặt ở nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Ý, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia,… Ngoài ra, thịt và những phần khác của con cá sấu được tận dụng triệt để tạo ra sản phẩm, nâng tầm giá trị kinh tế mà nó mang lại cho người nông dân.

Tuy sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo nhưng ông được ba mẹ định hướng theo con đường học vấn. Nối tiếp truyền thống đó,  nông dân Thanh Mai dù khó khăn vẫn quyết tâm cho con ăn học vì “văn hóa là chìa khóa mở đầu để phát triển kinh tế”.

Trong 3 tập tiếp theo, khán giả sẽ có dịp ghé thăm nông dân Nguyễn Thanh Tân, Lâm Ngọc Nhâm và Nguyễn Thanh Minh. Nông dân xin chào do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Truyền thông Khang thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng lúc 7h15 thứ 6 – 7 – CN hàng tuần trên THVL1.  Tập 13 – 14 – 15 phát sóng từ ngày 21/5 đến 23/5.

 

 

 

Gia Vũ (Theo TTV)

Có thể bạn quan tâm