Nuôi tôm trên cát được xác định là một nhóm mũi nhọn của chương trình phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam. Với lợi nhuận ước tính từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, việc nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao được xem là hướng đi phù hợp để giúp người dân miền Trung.
Nằm trong vùng nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, HTX thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang đánh thức và khơi dậy tiềm năng nuôi tôm công nghệ cao trên cát, đưa con tôm thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Với tổng diện tích hơn 12ha, chia thành 31 hồ nuôi, 8 hồ ươm giống tôm thẻ chân trắng; nhờ được đầu tư bài bản, áp dụng thành công quy trình chăn nuôi hiện đại, năng suất bình quân của HTX đạt 30-35 tấn/ha.
Đại diện HTX cho biết, HTX không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống cũng đặc biệt được chú trọng. Trước khi thả, các điều kiện về môi trường, độ pH, độ kiềm, độ mặn… được kiểm tra kỹ càng, kịp thời điều chỉnh để tránh gây sốc cho tôm.
Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của HTX luôn bám sát ao nuôi, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật cao. HTX trực tiếp hướng dẫn cho thành viên, hộ liên kết các phương thức sản xuất an toàn, từ xử lý ao nuôi, gieo giống, đến chăm sóc, thu hoạch. Vụ tôm đầu năm 2018, HTX Xuân Thành thả 15 triệu con tôm giống thẻ chân trắng, tăng 4 triệu con so cùng kỳ năm 2017.
Để có giống tôm chất lượng cao, HTX trực tiếp ký hợp đồng với CTCP chăn nuôi C.P.Việt Nam và Tập đoàn Việt-Úc. Năng suất cao, giá thành ổn định giúp HTX thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ thành viên với mức thu nhập bình quân năm 2017 là 150-200 triệu đồng.
Ghi nhận tại vùng nuôi tôm xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, hai năm nay, nhất là các vụ nuôi đầu năm, hoặc vụ thu hoạch trong dịp Tết, sản lượng tôm đạt khá cao, bình quân 8-9 tấn/hồ (3.000m2), năng suất bình quân trên 25 tấn/ha; phần lớn các hộ nuôi đều có lãi từ vài trăm triệu đến trên 500 triệu đồng/vụ/hồ.
Quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát toàn huyện Phong Điền với diện tích 898,84 ha. Đến nay, huyện đã phê duyệt quy hoạch bổ sung và quy hoạch chi tiết hạ tầng nuôi thủy sản trên cát ven biển xã Điền Hòa 56,78 ha, xã Phong Hải 166,55 ha và xã Điền Hương 386,16 ha.
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trên cát cho năng suất và sản lượng cao, tập trung ở các huyện ven biển, như: Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia của tỉnh Thanh Hóa. Với những ưu điểm như chủ động được mùa vụ, thu hoạch dễ dàng, rủi ro thấp… nhiều mô hình đã phát triển theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Trần Văn Lợi, thôn Tân, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương là một điển hình tiêu biểu khi đầu tư 20 tỷ đồng làm mô hình nuôi tôm trên cát. Đến nay, mỗi vụ sản lượng trung bình đạt 200-250 tấn, trừ chi phí anh thu lãi gần 10 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động, với thu nhập 5-9 triệu.
Theo Tapchithuysan