Về trang chủ Chưa được phân loại Nước mắm: Các chuyên gia đề nghị dừng ban hành TCVN 12607:2019

Nước mắm: Các chuyên gia đề nghị dừng ban hành TCVN 12607:2019

Ý kiến của các nhà sản xuất lẫn chuyên gia trong ngành đã không được cơ quan chức năng tiếp thu khi biên soạn dự thảo về tiêu chuẩn nước mắm.

Ngày 27/2, tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do CLB Nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các DN đồng lòng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng ban hành tiêu chuẩn này.

Dự thảo TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) biên soạn, ngưng nhận ý kiến góp ý từ ngày 28/2 nhưng đối tượng tác động chính của bộ tiêu chuẩn này là cơ sở, DN sản xuất nước mắm lại gần như không hay biết.

Tại hội thảo, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đề nghị cần có sự phân biệt nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp và nước chấm để người tiêu dùng lựa chọn và cạnh tranh lành mạnh. Theo ông Giang, nước mắm là sản phẩm truyền thống lâu đời, việc bổ sung thêm các chỉ tiêu cần kiểm soát không cần thiết (kháng sinh, thuốc thú y…) là tự “lấy đá ghè chân mình”.

Nếu ban hành TCVN 12607:2019, Việt Nam sẽ theo vết Thái Lan, đánh mất nghề nước mắm truyền thống và cổ súy cho phát triển nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp.

“Xây dựng xong quy phạm sản xuất nước mắm để rồi xóa sổ sản xuất nước mắm truyền thống thì cần phải xem lại. Các hiệp hội cần có ý kiến với cơ quan chủ quản hoặc cấp cao hơn như Chính phủ để được lắng nghe” – ông Giang gợi ý.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), rất bức xúc khi đọc dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Theo bà, các ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm thực thụ, chuyên gia trong ngành đã không được cơ quan quản lý tiếp thu.

Bà Liên cho biết, trước kia, khi ban hành TCVN 5107:2018 thay thế TCVN 5107:2013, nhóm soạn thảo đã lấy ý kiến các bên, nhưng tới khi ban hành thì nội dung TCVN 5107:2018 có nhiều nội dung quan trọng bị thay đổi hoàn toàn, không tiếp thu ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm thực thụ.

“Cụ thể hơn, ngay như Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống đã xây dựng tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống, nhưng cũng không được tham khảo để đưa vào TCVN 5107:2018. Như vậy các nhà quản lý xây dựng TCVN phục vụ ai?”

Cuối cùng, bà Liên cho rằng, nếu ban hành TCVN 12607:2019, Việt Nam sẽ theo vết Thái Lan, đánh mất nghề nước mắm truyền thống và cổ súy cho phát triển nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp.

Bà Đỗ Thị Kim Thọ, Phó chủ tịch Hội nước mắm Nha Trang đề nghị cần đưa khái niệm nước mắm pha chế để phân biệt rõ với nước mắm truyền thống. Và nội dung về QCVN 02-16:2012/BNNPTNT phải được đưa vào tài liệu viện dẫn vì phải căn cứ vào văn bản này để xây dựng tiêu chuẩn. Đồng thời, vị Phó chủ tịch Hội nước mắm Nha Trang cũng cho rằng, các chỉ tiêu về kim loại nặng, vi sinh cần được bỏ. Về vấn đề Histamin cũng nên nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng cơ sở TCVN.

Ông Triều Anh, đến từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giangđặt câu hỏi: “Tại sao không lấy ý kiến của các Hội nước mắm địa phương? Mặt khác, các tài liệu tham khảo không cập nhật văn bản quy phạm pháp luật hiện hành…. Cần tạm dừng ban hành để lấy thêm ý kiến”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam: “Tiêu chuẩn này chưa ổn, đã có QCVN về nước mắm mà không được tham khảo. Các định nghĩa thuật ngữ trong dự thảo không đúng thực tế. Trên thị trường không có nước mắm nguyên chất mà lại đưa khái niệm này vào để người tiêu dùng bị nhầm lẫn.

Khái niệm nước mắm pha chế không được làm rõ mà lẫn vào nước mắm thật của Việt Nam. Nếu đánh lẫn khái niệm nước mắm và nước mắm pha chế, thì hệ lụy sẽ còn dài, làm mất nghề truyền thống. Cần làm riêng tiêu chuẩn cho nước mắm, và nước mắm pha chế…”

Chuyên gia lâu năm về nước mắm, TS Trần Thị Dung, chỉ ra hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi).

Quy định này buộc nhà sản xuất phải tốn tiền xét nghiệm các chỉ tiêu không có nguy cơ tồn dư trong nước mắm. Dự thảo cũng quy định nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu đã bị phân hủy mạnh, trong khi làm nước mắm sử dụng cá không tươi là bình thường (trừ nước mắm Phú Quốc ướp muối ngay trên tàu).

Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành phản ánh với TCVN, các cơ quan quản lý đã “đồng hóa” nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Theo đó, nước mắm chỉ có cá và muối được gọi là nước mắm nguyên chất còn nước mắm truyền thống ở các làng nghề gồm cá, muối, đường, bột ngọt bị xếp chung với nước mắm công nghiệp (gồm nguyên liệu nước mắm như trên pha nước cho thêm chất tạo ngọt, chất điều vị, chất tạo sánh, chất bảo quản, hương nước mắm, phẩm màu).

Ông Thành kiến nghị không gọi các sản phẩm có dùng chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu là “nước mắm” mà là “nước mắm công nghiệp” hoặc “nước mắm pha chế”, “nước chấm” tùy theo độ đạm để không nhập nhèm với nước mắm truyền thống.

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhận định nếu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn như dự thảo sẽ triệt tiêu tất cả làng nghề nước mắm lâu đời ở Việt Nam. “Họ chỉ còn có thể cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn kinh tế lớn và sẽ làm mai một văn hóa Việt Nam” – ông Dũng cảnh báo.

Trước những bất hợp lý xung quanh quy định về quản lý nước mắm, ông Trương Đình Hòe, Chủ nhiệm CLB Nước mắm truyền thống, kiến nghị tạm dừng ban hành TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm để tiếp tục lấy ý kiến góp ý. Ông Hòe cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội thảo khoa học trước khi ban hành quy định.
Theo NLD-BSA

Chứng khoán: Rực đỏ sau diễn biến bất ngờ cuộc gặp Trump-Kim

Trái xoài Việt Nam vào Mỹ: Thị trường tiềm năng nhưng cực kỳ khó tính

Báo Người tiêu dùng: Bị rút giấy phép hoạt động 3 tháng vì nhiều sai phạm

Gia Lai: Doanh nghiệp hứa mua biến mất, 14.000 tấn khoai lang Nhật chờ giải cứu

Có thể bạn quan tâm