Tính tới ngày 30/6/2022, nợ vay trái phiếu của NovaLand Group đạt mức 49.663 tỷ đồng, tăng 12.772,5 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 34,6%. Trong đó, VPBank hiện đang là “chủ nợ” trái phiếu lớn nhất của NovaLand Group với 9.100 tỷ đồng.
Khoản nợ trái phiếu vượt vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính (BCTC) Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2022, nợ phải trả của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (NovaLand Group, HOSE: NVL) tăng 21,5% so với hồi đầu năm lên gần 195.000 tỷ đồng, chiếm tới 81,4% tổng nguồn vốn của NovaLand Group.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ chiếm gần 18,6% với mức hơn 44.464 tỷ đồng. Bởi vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang ở mức rất cao 4,38 lần. Điều này cho thấy cơ cấu nguồn vốn của NovaLand Group đang mất cân đối nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Trong đó, tổng nợ vay chiếm 35,2% nợ phải trả của NovaLand Group với mức 68.567,2 tỷ đồng, tăng 13,3% so với hồi đầu năm. Con số này cao gấp 1,54 lần vốn chủ sở hữu của NovaLand Group, bao gồm: Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt hơn 23.332 tỷ đồng, tăng 22,2%; Vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt gần 45.235 tỷ đồng, tăng 9,2%.
Đáng lo ngại hơn là hiện nợ trái phiếu của NovaLand Group chiếm tới 72,4% tổng nợ vay với mức 49.663 tỷ đồng (cao gấp 1,12 lần vốn), bao gồm 14.368,7 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn và 35.294,2 tỷ đồng dài hạn.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ trong 6 tháng đầu năm NovaLand Group đã phát hành thành công 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.557 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 26/1/2022, NovaLand Group đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu NVLH2123014 với giá trị 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 18/5/2023.
Ngày 15/2/2022, NovaLand Group đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu NVLH2122015 có giá trị 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 24/12/2022.
Đến ngày 21/3/2022, NovaLand Group tiếp tục hoàn tất phát hành lô trái phiếu NVLH2224005 với giá trị 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào ngày 16/2/2024.
Ngày 19/5/2022, NovaLand Group đã hoàn tất phát hành 2 lô trái phiếu NVLH2232001 và NVLH2232002 với tổng giá trị 5.774 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào ngày 19/05/2032.
Ngày 31/5/2022, NovaLand Group đã hoàn tất phát hành 2 lô trái phiếu NVLH2232007 và NVLH2232008 với tổng giá trị 783 tỷ đồng.
Mới đây nhất vào ngày 13/6/2022, NovaLand Group đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu NVLH2234006 có giá trị 1.500 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào ngày 15/3/2024.
Điều đáng nói, các thông tin của cả 8 lô trái phiếu nêu trên: Lãi suất, tài sản đảm bảo, tổ chức phát hành, mục đích phát hành, … chưa được NovaLand Group công bố.
VPBank là trái chủ lớn nhất của NovaLand Group
Tính tới ngày 30/6/2022, trái chủ lớn của NovaLand Group là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua 9.100 tỷ đồng, bao gồm 2.180 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 6.920 tỷ đồng dài hạn.
Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) mua 7.877,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu của NovaLand Group.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) mua hơn 3.175 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mua hơn 1.600 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) 137,6 tỷ đồng.
Hai tổ chức nước ngoài là Ngân hàng Credit Suisse AG – CN Singapore và Dallas Vietnam Gamma Ltd hiện cũng là trái chủ của NovaLand Group khi mua lần lượt 8.169,1 tỷ đồng và 4.620 tỷ đồng trái phiếu .
Ngoài ra, nhiều Công ty chứng khoán của các ngân hàng cũng đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của NovaLand Group như Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) 3.413 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) 2.590 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) 2.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agrisenco) 200 tỷ đồng.
Một số Công ty Chứng khoán hiện đang là trái chủ của NovaLand Group như Chứng khoán Dầu khí (4.500 tỷ đồng); Chứng khoán Yuanta (730,7 tỷ đồng); Chứng khoán Thành Công (250 tỷ đồng),…
Nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp Từ giữa năm 2021, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đã phát đi cảnh báo: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn một số rủi ro khi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản) và có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Do đó nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. |
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng