Về trang chủ Xã hội Giáo dục Những thầy cô vượt khó, rời bản để đem con chữ trở về

Những thầy cô vượt khó, rời bản để đem con chữ trở về

Các thầy cô ấy lớn lên từ những bản làng nghèo khó. Có người 10 tuổi mới được đến trường, có người hằng ngày phải vượt nhiều dốc đá hiểm trở suốt 6-7 tiếng đồng hồ mới đến được lớp… Họ cùng chung quyết tâm rời bản tìm tri thức để thoát nghèo. Rồi họ chọn trở về, hoặc đến vùng khó khăn hơn để bù đắp cho con em của bản.
Vùng đất khó có cô Lan

Cô gái Lồ Thị Lan là người dân tộc Bố Y. Cả huyện Mường Khương của tỉnh Lào Cai, chỉ riêng xã Thanh Bình có người Bố Y sinh sống. Lớn lên trong cộng đồng rất ít người, lại ở một trong những huyện nghèo nhất nước, nên gia cảnh của Lan cũng cơ cực. Để được đi học, cả 4 chị em Lan đều 1 buổi đến trường, 1 buổi là lao động phụ trong gia đình, quần quật từ cơm nước, heo gà, chăn trâu cắt cỏ đến đi nương, làm rẫy… Càng lớn, Lan càng quyết tâm học để thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà chỉ quanh năm đủ giật gấu vá vai.

Cô giáo Lồ Thị Lan bên học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dìn Chin – Ảnh: L.D.C.

Hết phổ thông, Lan chọn học sư phạm. 12 năm trước, Lan trở thành cô giáo của các học sinh xã Dìn Chin – nơi xa xôi và khó khăn hơn xã Thanh Bình của cô rất nhiều. Ở Dìn Chin, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Phía đông của Dìn Chin là nước bạn, sông Chảy là biên giới tự nhiên, nhưng Dìn Chin quanh năm thiếu nước. Vì thế, hầu hết gia đình ở Dìn Chin đều khó khăn hơn cái khó chung của huyện Mường Khương.

Từ ngày về Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS Dìn Chin đến nay, cô Lan có nhiều năm rèn giũa cho các em khối Một. Từ mầm non lên, đa số các em chưa nói được tiếng phổ thông.

“Ngôn ngữ khác biệt khiến việc giao tiếp, học tập của các em luôn bị hạn chế. Bậc tiểu học, nhưng nhiều em luôn đứng ở ranh giới bỏ học để phụ giúp gia đình. Các em thiệt thòi quá, nên tôi cũng như các thầy cô khác càng không thể để các em thất học, lặp lại con đường lầm lụi mà nghèo vẫn hoàn nghèo như ông bà, cha mẹ các em” – cô Lan chia sẻ. Thế là cô giáo 9X ấy học tiếng Mông, Nùng của các em để có thể hướng dẫn các em học tập, rèn luyện và kể cho các em nghe những điều thú vị khi các em được học hành. Từ đó khơi lên trong các em niềm vui đến lớp.

Ban giám hiệu nhà trường thường nhắc đến cô giáo Lan như một tấm gương giáo viên trẻ nhiệt huyết, giỏi chuyên môn, vừa là tổ trưởng giỏi cấp huyện, vừa được học trò và đồng nghiệp yêu quý. Nghe các đồng nghiệp dành lời khen, cô Lan bẽn lẽn: “Không chỉ tôi, mà bất cứ thầy cô nào cũng thấy hạnh phúc khi học trò của mình bắt đầu biết đọc, biết viết và làm những phép tính đầu tiên. Chúng tôi chỉ mong được góp chút công sức trong việc “đặt nền móng” cho các em, để mai này các em trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội”.

Thầy giáo “đa môn”

Chế Tạo vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nhưng Trường PTDTBT tiểu học và THCS Chế Tạo nay đã khang trang, nhiều tiện ích hơn thời thầy giáo 8X Sùng A Trừ theo học rất nhiều. Song cái khó nhất với học trò lớp Một vẫn là dạy tiếng phổ thông để đa số các em học sinh là người Mông có thể tiếp thu kiến thức.

Là giáo viên dạy giáo dục thể chất, nhưng nhiều năm nay thầy Sùng A Trừ tự giao cho mình nhiệm vụ dạy học sinh lớp Một tiếng phổ thông vào các buổi tối – Ảnh: A.T.

Thầy giáo Sùng A Trừ cũng là người Mông, sinh ra, lớn lên ở xã Chế Tạo. Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Trừ đã ấp ủ giấc mơ làm thầy giáo để dạy dỗ các thế hệ sau của bản làng mình. Trừ đã về huyện học THPT, rồi về TP Hà Nội học đại học sư phạm. Thầy cũng chứng kiến đời sống của cộng đồng mình dần vơi bớt khó khăn. Thế nhưng nhận thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ, những đứa trẻ người Mông cứ mắt trước mắt sau là bỏ học.

Thầy Trừ chia sẻ: “Chế Tạo có nhiều bản xa trung tâm, khi chưa có mô hình bán trú, các em phải đi bộ 5-7 giờ đồng hồ mới đến được trường. Cha mẹ cũng không đủ nhận thức về giáo dục nên nhiều khi họ còn không muốn con cái đi học vì như vậy, gia đình sẽ mất đi 1 lao động. Khó khăn vậy nên tôi càng quyết tâm về bản dạy, để các em thấy được cái hay của việc có kiến thức”.

Là giáo viên dạy giáo dục thể chất, nhưng thầy Trừ tự giao cho mình nhiệm vụ tăng cường tiếng phổ thông cho các em lớp Một. Vừa kiên trì dạy tiếng phổ thông, thầy Trừ vừa cần mẫn giảng giải, hướng dẫn các em học bằng tiếng Mông. Từ khi có mô hình bán trú, thầy Trừ nghĩ ra cách giao cho các anh chị lớn cùng thầy kèm cặp tiếng phổ thông cho các em nhỏ. Bọn trẻ bảo thích học thầy Trừ các buổi tối, vì tối nào cũng… được chơi.

Thầy Mùa Thế Quỳnh – Hiệu trưởng nhà trường – cười: “Là vì thầy Trừ luôn tổ chức các trò chơi trước giờ học. Các em chơi xong sẽ vào bài học chính. Sau khi học là thầy trò cùng tập thể dục nên các em rất thích. Thầy Trừ nhiều năm là giáo viên giỏi cấp huyện. Thầy còn thường xuyên dạy kỹ năng sống cho các em. Nhờ những sáng kiến của thầy, học sinh thích đi học, tiếp cận với chương trình mới hào hứng lắm”.

Thầy Trừ không giấu được niềm vui: “So với thời gian đầu mới về Chế Tạo, tôi thấy nhận thức của các thế hệ sau đã dần dần thay đổi. Nhà trường và cả đời sống cũng có nhiều chuyển biến, nên việc vận động cha mẹ cho con em đến trường không còn nhiều khó khăn như trước nữa. Dù không phải nhiệm vụ nhưng tôi quyết tâm bằng mọi cách trong khả năng của mình, góp phần mang đến những giá trị tích cực cho thế hệ trẻ của quê hương mình”.

Người thầy như người cha

Năm 1998, Mua Mí Lầu – một cậu bé người Mông – vào lớp Một ở tuổi lên 10. Bởi khi đó, cả bản Nà Nán (nay thuộc thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) của cậu mới biết đến một nơi gọi là trường học. Lần đầu tiên có các thầy cô mang chữ về bản, nhưng không phải đứa trẻ nào ở Nà Nán cũng được cha mẹ cho đi học. Bởi với họ, đến trường học cái chữ không thể làm cái bụng của con họ hết đói. 6 anh chị em nhà Mua Mí Lầu cũng đói nghèo, những chõ mèn mén còn bữa đủ bữa vơi. Thế nhưng Lầu rất ham học.

Thầy giáo Mua Mí Lầu và học sinh lớp Chín Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Phùng

Cùng với sự động viên, kèm cặp của các thầy cô, Lầu học hết phổ thông rồi về Thái Nguyên làm thuê ở trại cá lấy tiền ăn học. Lầu học đại học sư phạm, bởi anh muốn làm người gieo mầm tri thức ở những nơi khó khăn – như các thầy cô của anh.

Cũng như cô Lan, thầy Trừ, thầy Lầu chọn dạy học cho các em nhỏ người Mông ở 1 trong 54 xã đặc biệt khó khăn của cả nước – xã Thượng Phùng, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cách bản Nà Nán nhà thầy 85km. 8 năm bền bỉ với học sinh Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, là 8 năm thầy Lầu kiên gan trước khí hậu khắc nghiệt và địa hình hiểm trở nơi đây. 9/13 bản của Thượng Phùng cách trung tâm xã từ 8 – 13km. Đường vào bản nào cũng một bên là núi cao, bên là vực sâu với những vách đá dựng đứng. Cũng bởi địa hình hiểm trở đó mà Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng thiếu sân chơi. Mùa đông đường sá đóng băng, cuối tuần học sinh không thể về nhà.

Khó khăn, khắc nghiệt nên nhiều học sinh thường xuyên nghỉ học dài ngày, thậm chí bỏ học. Ngày nào có học sinh nghỉ là ngày đó thầy cô phải xuống bản tìm hiểu lý do và động viên cả cha mẹ lẫn học trò. Cùng là người Mông, thấu hiểu những thiệt thòi của cộng đồng nên thầy Lầu tự giao cho mình nhiệm vụ phải thuyết phục các em trở lại trường bằng được.

“Chính Mí Lầu đây, nhờ được đi học mà cái bụng Mí Lầu mới hết đói. Các bạn của Mí Lầu ngày trước không được đi học, giờ vất vả hơn Mí Lầu rất nhiều”. Sau mỗi lần thầy về bản “dân vận”, học trò đã trở lại trường lớp, học tập tiến bộ hơn.

Thầy Lầu tâm sự: “Ở đây, thầy giáo không chỉ là người dạy học mà còn như người cha chăm lo cho học trò để các em đi học chuyên cần. Các thầy cô của tôi đã luôn bên cạnh để tôi vững bước trên con đường học tập. Giờ đây, dù 8 năm gắn bó với nghề là 8 năm chủ nhiệm với rất nhiều khó khăn nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Để những thế hệ trẻ người Mông được trang bị tri thức giúp cho bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn. Đó là hành động thiết thực đóng góp cho bản làng, và cũng là cách để tôi tri ân thầy cô của mình”.

Theo Ngọc Minh Tâm/phunuonline

Có thể bạn quan tâm