Từ năm 1996 đến nay, Nhơn Trạch diễn ra 5 cơn sốt đất. Hệ quả là hàng tỷ USD được bơm vào thị trường, hàng trăm ha đất bị bỏ hoang cùng nhiều căn nhà không người ở. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, khu vực này đang được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm và rót vốn đầu tư một số sự án quy mô khá lớn.
Nhà đầu tư tháo chạy để lại cảnh hoang tàn
Cách đây 20 năm, Nhơn Trạch từng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phát triển thành siêu đô thị phía Đông Sài Gòn, là quận 13 của TP.HCM với tên gọi Thành phố mới Nhơn Trạch song không thành công, Nhơn Trạch giờ đây vẫn chưa thể chuyển mình để trở thành một đô thị đúng nghĩa.
Sau đợt vỡ bong bóng bất động sản giai đoạn 2009-2010, nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi các dự án đã được giao trong khi hạ tầng còn ngổn ngang, quy hoạch trên giấy còn chưa ráo mực. Cùng số phận với những dự án thành phố mới tại Bình Dương, Long An…, Nhơn Trạch bao năm qua vẫn nằm ở dạng đô thị tiềm năng, nhiều dự án khu dân cư vắng người, xuống cấp khiến nhiều người gọi nơi đây là thành phố ma.
Cò đẩy giá + hạ tầng kém = thảm họa cho đô thị
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cụ thể là tỉnh này đang xúc tiến, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng 5 tuyến cao tốc kết nối với sân bay Long Thành, đốc thúc tiến độ thực hiện quy hoạch lại toàn bộ huyện Nhơn Trạch.
Đặc biệt, mới đây tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động làm việc với các sở ngành của TP.HCM về việc muốn đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM.
Bởi, theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chỉ cách trung tâm quận 1 của TP.HCM khoảng 20km, nhưng hàng loạt dự án bất động sản ở Nhơn Trạch đã trở thành khu đô thị “ma” gần 20 năm qua là điều rất khó hiểu.
Ngoài việc bị các công ty bất động sản đẩy giá cao ngất ngưởng, vượt quá giá trị thật, thì hạ tầng là nguyên nhân chính. Trong đó, dự án xây cầu Cát Lái nối khu vực này với quận 2 của TP.HCM trong thời gian tới sẽ là chìa khoá giải cứu bất động sản Nhơn Trạch, do vậy cần phải nhanh chóng triển khai.
Cơ hội mới có đem đến vận hội mới ?
Chính việc nhìn thấy được cơ hội to lớn cho sự phát triển thị trường trong giai đoạn tới, mà quan trọng nhất vẫn là siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành, tại khu đô thị Nhơn Trạch đã và đang đón nhận những dòng vốn lớn vào lĩnh vực BĐS. Điển hình như Đồng Nai tái khởi động những dự án khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở kiêm du lịch sinh thái… có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD đang thu hút những tên tuổi lớn, như: Amata (Thái Lan), Vina Capital (Singapore), CFLD….
Mới đây nhất, một đại gia địa ốc lớn đến từ châu Á cũng đã thâu tóm dự án khu đô thị có quy mô rộng hơn 500ha tại Nhơn Trạch. Song song đó, các dự án như Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, Khu phức hợp Long Thanh Bay, Khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành, Mega City rộng gần 90ha … cũng đã tái khởi công.
Theo ông Lê Hoàng Châu -Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, hạ tầng nội khu đô thị Nhơn Trạch đã được chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đầu tư khá hoàn thiện, nhưng chỉ bấy nhiêu vẫn không đủ sức mạnh để kéo dân về sinh sống bởi có đường vào mà không có đường ra. Do vậy, nếu câu chuyện hàng loạt dự án giao thông lớn đã được quy hoạch vẫn còn bàn thảo kéo dài thì khu vực này vẫn như 20 năm trước.
Theo Dothi-Nhipsongkinhte
Nhơn Trạch: Kỳ vọng biến đô thị ma thành Phố Đông của Sài Gòn