Khảo sát tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ học sinh lớp 5 thừa cân, béo phì ở nhiều trường nội thành rất cao, từ 45% tới hơn 55%.
Ngày 20/10, tại Hội thảo phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng) cho biết, dù cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng đáng kể song Việt Nam lại đang đối mặt với “gánh nặng kép” thừa cân, béo phì.
Tổng điều tra dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng cho thấy, năm 2010 tới năm 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm trẻ 5 – 19 tuổi tăng từ 8,5% lên 19%, tức vượt hơn 2 lần. Trong khi đó, trẻ vẫn thiếu các vi chất cần thiết.
Một nghiên cứu mới đây của Viện dinh dưỡng phối hợp cùng Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, khảo sát tại nhiều trường mầm non tại 5 tỉnh, số trẻ thừa cân béo phì gia tăng. Có những trường có tới gần 30% trẻ béo phì.
Khảo sát học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện ở Hà Nội tiến hành năm 2023 cũng chỉ ra tình trạng báo động khi số trẻ thừa cân béo phì của nhiều trường trong khu vực nội thành ở trên mức 45%. Cụ thể như trường Tiểu học Dịch vọng B – Cầu Giấy (45,5%), trường Tiểu học Lê Lợi – Hà Đông (49,5%), trường Tiểu học La Thành – Đống Đa (55,7%)…
Ở các trường thuộc khu vực ngoại thành, con số này cũng trên 20%. Cụ thể, trường Tiểu học Hiền Ninh – Sóc Sơn (20,9%), trường Tiểu học Tản Lĩnh – Ba Vì (26,8%), trường Tiểu học Quang Trung – Phú Xuyên (31.1%)…
Bà Bùi Thị Nhung nhấn mạnh, thừa cân béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng. Khi xét nghiệm 500 trẻ béo phì, có từ 35 – 50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Đái tháo đường cũng không còn là bệnh của người lớn mà đang bị trẻ hóa.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo vị chuyên gia là do chế dộ ăn không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất; trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường.
“Chúng tôi đã khảo sát trên 600 bà mẹ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, đa phần có con có tình trạng dinh dưỡng bình thường thì nghĩ rằng con bị thiếu dinh dưỡng. Chỉ 20% bà mẹ có con bị béo phì nhận ra con mình có tình trạng này, phần còn lại chỉ nghĩ là thừa cân”, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nhung nêu, tâm lý muốn con bụ bẫm là một trong những nguyên nhân của trẻ thừa cân, béo phì.
Cũng theo bà Bùi Thị Nhung, nhiều năm qua, việc thực hiện bữa ăn mầm non được chú ý, giáo viên được đào tạo, tổ chức tốt hơn, có các phần mềm xây dựng thực đơn. Tuy nhiên, ở khối tiểu học trở lên còn gặp nhiều khó khăn. Bản chất, các nhà trường trước đây chỉ có chức năng dạy học song do nhu cầu học bán trú của phụ huynh, học sinh nên các trường cung cấp thêm dịch vụ bữa ăn bán trú. Nhiều trường chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, tiếp nhận các bữa ăn từ các công ty cung ứng thực phẩm… Đây cũng là nguyên nhân khiến một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Bên cạnh đó, các cán bộ phụ trách bán trú của nhiều trường chưa đc đào tạo dinh dưỡng, căng tin còn bán thực phẩm chưa lành mạnh.
Đồng quan điểm trên, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng nêu, một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tại Việt Nam được xác định đó là yếu tố nguồn nhân lực còn thiếu, còn hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng, kinh nghiệm; tổ chức hệ thống tuyến quản lý, thực hiện triển khai các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng ở các khu vực, vùng miền và trên phạm vi toàn quốc còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa đồng đều.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nhung cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách để hỗ trợ trẻ em nghèo, miền núi, khu vực khó khăn. Cần xây dựng mô hình điểm để xây dựng các bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện, kinh tế địa phương, kết hợp với các hoạt động thể chất.
Bà cũng mong muốn, trong tương lai, mỗi một trường học, 1 công ty thực phẩm, 1 tỉnh thành… đều có ít nhất 1 cử nhân về dinh dưỡng làm việc.
Theo Huyền Anh/phunuonline