Về trang chủ Kinh doanh Bất động sản Nhiều thách thức cho mục tiêu chuyển đổi xanh ngành xây dựng

Nhiều thách thức cho mục tiêu chuyển đổi xanh ngành xây dựng

Cuối tháng 9 vừa qua, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 đã diễn ra tại TPHCM, do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện, với sự cộng tác, phối hợp của các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…  Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi xanh trong ngành xây dựng, còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.
Một công trình tại Miền Bắc được cấp chứng nhận xanh. Ảnh: DNCC
Công trình xanh trong mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống

Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau COP 26, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp.

Cuối tháng 8 vừa qua, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) đã cấp chứng chỉ LOTUS cho khu căn hộ Elysian tại TP Thủ Đức, TPHCM. LOTUS là chứng chỉ do VGBC lập ra. Đây là một trong hai chứng chỉ công trình xanh toàn diện và phổ biến nhất tại nước ta hiện nay bên cạnh LEED do Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC) cấp. Bộ tiêu chí của LOTUS có tổng cộng 7 hạng mục ràng buộc gồm: năng lượng; nước; vật liệu và tài nguyên; sức khỏe và tiện nghi; địa điểm và môi trường; quản lý; hiệu năng vượt trội.

Không chỉ được chú ý bởi các nhà phát triển dự án nhà ở xanh, thời gian gần đây, chứng chỉ xanh ngày càng quan trọng với khách thuê văn phòng. Một số khách thuê, nhất là các công ty nước ngoài đang sẵn sàng trả giá thuê cao hơn đối với các tòa nhà có chứng chỉ xanh. Do đó ngày càng có nhiều tòa nhà văn phòng ở Hà Nội triển khai áp dụng chứng chỉ xanh.

Tại Hà Nội, các dự án văn phòng xanh sắp ra mắt gồm Gelex 10 Trần Nguyên Hãn, 36 Cát Linh, và Tiến Bộ Plaza. Đến cuối năm 2025, Hà Nội dự kiến sẽ cung cấp 68.400 m2 diện tích văn phòng xanh. Ngoài nguồn cung mới này, thị trường văn phòng Hà Nội đã có nhiều tòa nhà văn phòng khác sở hữu chứng chỉ xanh (như TechnoPark Tower – chứng chỉ LEED Platinum, Capital Place Hà Nội – chứng chỉ LEED Gold) đã hấp dẫn các khách thuê, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài chú trọng đến tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu như Microsoft, Savills, Lazada…

Tính đến hết năm 2023, Hà Nội chỉ ghi nhận 4 dự án văn phòng đáp ứng theo tiêu chuẩn xanh của LEED, trong đó tòa văn phòng TechnoPark Tower là dự án duy nhất tại miền Bắc và thứ 2 tại Việt Nam đạt được chứng nhận LEED Platinum.

Ngoài các dự án trên, đã có một số công trình xanh là dự án nhà ở đô thị, nhà máy, khu công nghiệp được triển khai trên toàn quốc như: Simona Heights, The Coastal Hill tại tỉnh Bình Định; Seasons Avenue, Mulberry Lane, TechnoPark Tower, Genesis School, Ecohome 3 tại thành phố Hà Nội; Diamond Lotus riverside; nhà máy Cogate Pamolive, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Bình Dương…

Thách thức cho phát triển công trình xanh

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9 vừa qua, số lượng công trình Xanh tại Việt Nam mới đạt khoảng 300 công trình, với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Trong khi đó, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành xu hướng đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, những công trình xanh đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào khoảng giai đoạn từ năm 2005-2010.

Thế giới hướng đến việc phát triển công trình xanh vì sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng…

Nói tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng cho rằng, phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu, không chỉ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu của người mua nhà. Song việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, ngoài những tác động của COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư dự án công trình xanh cũng còn gặp những khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh… Thêm nữa, hiện cũng chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình.

Để cải thiện vấn đề trên, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2023 ở nhiều địa phương trên cả nước vào tháng 9 vừa qua để cùng bàn về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng thời gian tới.

Còn tại tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình Xanh” được tổ chức mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu hàng lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư.

Ông cho rằng Bộ Xây dựng cần sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Việt Nam đang hướng đến phát triển ngành xây dựng xanh. Ảnh minh họa: DNCC
Bắt đầu xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng

Theo Bộ Xây dựng, việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh không chỉ giúp giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính, mà còn góp phần cải thiện không gian sống. Bởi các công trình sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải cácbon và 40% chất thải rắn xây dựng.

Vì thế, phát triển vật liệu xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Trong đó, lĩnh vực xây dựng phải chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương.

Tại một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, phát triển vật liệu xanh không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cải thiện môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu.

Thêm nữa, việc sử dụng vật liệu xanh còn giúp tận dụng được các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác đồng thời nguồn vật liệu xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế. Đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản.

Bộ Xây dựng đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng tiêu tốn nhiều tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Đề ra các mục tiêu cho từng loại vật liệu, nhất là các vật liệu mà trong quá trình sản xuất có lượng phát thải tác động đến môi trường lớn như: ximăng, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch/đá ốp lát vôi công nghiệp.

Bộ Xây dựng cũng khuyến khích các công trình cao tầng sử dụng vật liệu xây dựng đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

Cũng tại một hội thảo được tổ chức mới đây, bà Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cũng cho hay, hiện nay Việt Nam và các nước vẫn chưa có công bố tiêu chuẩn cụ thể về vật liệu xanh. Thay vào đó, các nước mới xây dựng tiêu chí đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho vật liệu xanh. Một trong những tiêu chí quan trọng đó là vật liệu phải thân thiện với môi trường, sử dụng chất thải công nghiệp, giảm tiêu thụ nhiệt năng, vòng đời sử dụng lâu dài…

Theo ông Hiệp, hiện vật liệu xanh ở Việt Nam vẫn chưa được sử dụng rộng rãi do lang pháp lý, kỹ thuật hiện nay đã có, nhưng vẫn chưa đầy đủ, còn thiếu. Vì thế, việc đưa vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường vào các công trình, trên thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất vật liệu xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh trạnh với các vật liệu khác.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, ông Hiệp cho rằng các bộ ngành cần quan tâm xây dựng hàng lang pháp lý, hành lang kỹ thuật cụ thể về vật liệu xanh.

“Có được hành lang pháp lý thì chúng ta mới có được các quy định cụ thể để cho ra đời các chính sách tài chính trong việc ưu đãi cho công tác nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xanh. Hơn nữa, Nhà nước cần phải đi đầu trong việc sử dụng vật liệu xanh,” ông Hiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Hiệp, Việt Nam cũng cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí và các quy trình để cho các doanh nghiệp sản xuất ra các vật liệu xanh. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải tìm ra các giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với vật liệu xanh để cạnh tranh tốt với các vật liệu truyền thống có tính năng tương tự…

Là doanh nghiệp tham gia phát triển vật liệu xanh, bà Nguyễn Dương Trúc Linh, đại diện Công ty cách âm cách nhiệt Phương Nam cho rằng, thời gian tới Bộ xây dựng và các cơ quan liên quan cũng cần có giải pháp cụ thể hơn để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.

“Trước mắt, Bộ Xây dựng cần có bộ tiêu chí về thiết kế, hưỡng dẫn thi công công trình xanh; hay bộ công cụ trực tiếp dẫn dắt, hướng dẫn cụ thể và thiết thực cho tất cả các chủ đầu tư đi theo hướng xây dựng các công trình xanh bền vững,” bà Trúc Linh khuyến nghị.

Được biết, ngoài việc định hướng phát triển vật liệu xanh cho các công trình xây dựng, các cơ quan chức năng, giới chuyên gia đang tính đến việc có giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông.

Cuối tháng 9 vừa qua Bộ Xây dựng đã tổ chức một hội thảo về nội dung này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn do thiếu vật liệu san nền cho các dự án hạ tầng giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn II.

Tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 xây dựng hoàn thành khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch bao gồm 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014km.

Phát biểu tại hội thảo trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, công trình hạ tầng giao thông, công trình đường bộ cao tốc thường được cấu tạo với các lớp vật liệu nền, móng, mặt đường. Trong đó, các đoạn tuyến đường đi qua vùng đồng bằng thường gặp nền đất yếu, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý nền, thay đất, tôn cao độ nền, do đó khối lượng vật liệu đất (cát) cần sử dụng là rất lớn.

“Với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay, trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu, nguồn tài nguyên cát thiên nhiên sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, an sinh xã hội,” ông Sinh nói.

Từ thực tế trên, nhiều tổ chức, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện hoặc nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp.

Tuy nhiên, trường hợp khai thác cát biển quy mô lớn cần phải có đánh giá tác động môi trường cẩn trọng; phương án sử dụng cầu cạn cần những nghiên cứu cụ thể để khẳng định tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường.

Tại hội thảo, các diễn giả trình bày, làm rõ hơn tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế xã hội của các giải pháp sử dụng vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như: nghiên cứu sử dụng cát biển trong xây dựng đường bộ cao tốc; nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện kết hợp với cát mặn để đắp nền đường ven biển; kinh nghiệm xây dựng cầu cạn trong hệ thống hạ tầng giao thông Trung Quốc; so sánh giải pháp cầu cạn với các giải pháp nền đường đắp trên đất yếu trong bối cảnh khan hiếm vật liệu đắp nền…

Kết thúc hội thảo, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông; qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn thiếu vật liệu san nền cho các dự án hạ tầng giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang đốc thúc các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm các nước để tiếp tục nghiên cứu theo hướng cho thêm phụ gia như vôi, xi-măng vào tro xỉ theo tỷ lệ phù hợp để xem có đạt độ ổn định và chỉ tiêu về môi trường khi đắp nền đường hay không.

Theo các báo cáo chuyên ngành, hiện có khoảng 50 triệu tấn tro, xỉ điện than đang tồn đọng tại các bãi chứa của 29 nhà máy điện than trên cả nước. Để xử lý lượng tro, xỉ này, tháng 3-2021, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 08 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, từ ý kiến của các chuyên gia tại các hội thảo gần đây, cho thấy việc xây dựng tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ điện than đắp nền cao tốc khá phức tạp, nó liên quan tới tính cơ lý của từng loại tro, xỉ.

Trong khi nhiều công trình giao thông đang thiếu nguồn vật liệu san lấp, các đơn vị thi công vẫn dè chừng với vật liệu tro xỉ. Đơn cử, với công trình đường cao tốc, các nhà thầu cho rằng tro xỉ là vật liệu mới, chưa từng sử dụng nên không thể mạo hiểm dùng vào việc san lấp, đắp nền tại các công trình đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, tro xỉ mới chỉ được thí nghiệm dùng làm nền đường giao thông nông thôn.

Theo Vân Ly/Kinh Tế Sài Gòn Online

Có thể bạn quan tâm