Năm 2024, vấn đề pháp lý vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản.
Hệ lụy từ việc chậm tháo gỡ pháp lý
Thời gian tới, thị trường bất động sản đón các chính sách, cơ chế mới với kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, tiềm năng đất đai, tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó với các doanh nghiệp bất động sản.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2023 cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc (chủ yếu là về pháp lý). Gần 2 năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa bao giờ, các chính sách tháo gỡ về pháp lý và dòng vốn cho doanh nghiệp bất động sản được ban hành quyết liệt và dồn dập như hiện nay.
Đánh giá một cách tổng quan, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là câu chuyện pháp lý. Đầu năm 2023, các hiệp hội bất động sản và cơ quan quản lý công bố thống kê: 70% vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan tới pháp lý. Các vướng mắc đã tồn tại từ lâu, cộng thêm sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đang dần suy yếu.
Cần nhanh chóng tháo gỡ pháp lý để thị trường bất động sản thật sự phục hồi. |
Phát biểu tại Hội thảo “Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” diễn ra ngày 5/7/2024, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: “Ách tắc pháp lý là rào cản rất lớn kìm hãm đà tăng của bất động sản“.
Các điểm nghẽn về pháp lý là một trong những yếu tố khiến nhiều dự án chưa thể thu dòng tiền về từ các Hợp đồng bán hàng đã ký kết hay các sản phẩm bán mới không đạt như kỳ vọng bởi tâm lý băn khoăn và chần chừ của khách hàng, dẫn tới doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền. Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn trong tay nhưng vướng quy định pháp luật thì sẽ không triển khai được. Thực tế cho thấy, dự án vướng pháp lý kéo dài đang phản ánh vào cơ cấu hàng tồn kho và đây là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
“Chúng tôi vẫn miệt mài bơi lên bờ. Dù để vào bờ cần thêm một đoạn đường nữa. Đoạn cuối bao giờ cũng sẽ vất vả hơn, áp lực và thách thức nhiều hơn. Song, doanh nghiệp xác định tái cấu trúc toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm trong hành trình nỗ lực của mình vì cổ đông, khách hàng”, ông Dương Văn Bắc – Giám đốc Tài chính Novaland chia sẻ về việc tái cấu trúc của doanh nghiệp.
Hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn của thị trường và thách thức về thanh khoản, tiến độ hoàn thiện pháp lý, và đặc biệt là tâm lý của khách hàng. Với những vướng mắc pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện và giải quyết triệt để tại các dự án mặc dù đã bàn giao, đang phát triển hay đang làm thủ tục phát triển đã dẫn đến việc một số trường hợp khách hàng đã đẩy lên thành bức xúc, khiếu kiện và biểu tình kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Theo các chuyên gia, nếu không giải quyết tốt những vướng mắc còn tồn tại của thị trường bất động sản thì khó tận dụng tối đa nguồn lực của bất động sản. Tốc độ phát triển kinh tế phần nào phụ thuộc vào tốc độ phát triển của thị trường bất động sản. Lĩnh vực bất động sản phát triển chắc chắc kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, như: Chứng khoán, trái phiếu, tài chính, ngân hàng, sắt, thép, xi măng, kể cả dịch vụ ăn theo…
Quan trọng hơn, bất động sản phát triển mới thu hút được nhiều nguồn lực lớn, đặc biệt là ngoại lực. Hiện nay, dù nguồn vốn FDI lớn song chỉ ngang bằng nguồn vốn của kiều hối.
Cần trợ lực từ nhiều phía
Nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang duy trì, chờ đợi những “nút thắt” được tháo gỡ để thực sự “khỏe” trở lại. Ngoài sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp bất động sản cần sự đồng hành của các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thời gian qua, tại thị trường địa ốc phía Nam nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để “vượt qua vùng đáy”.
Dự án NovaWorld Ho Tram của Novaland vẫn tiếp tục xây dựng hàng loạt tại phân khu 1, điều này cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp. |
Bà Phạm Thị Miền – Phó Trưởng ban Nghiên cứu Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định, thị trường căn hộ chung cư nói riêng và thị trường bất động sản Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhờ những trợ lực mạnh mẽ.
Theo ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, Tổ công tác của Thành phố tiếp tục rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Trong 30 dự án bất động sản đã có 5 dự án được giải quyết hoàn toàn và 25 dự án đang được các sở, ngành tham mưu xử lý theo thẩm quyền.
Bắt đầu từ ngày 1/8, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở… chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những cột mốc quan trọng cho thị trường bất động sản vì luật ảnh hưởng trực tiếp toàn bộ doanh nghiệp và khách hàng. Khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu rục rịch khởi động. Những bất cập, tắc nghẽn trong khâu định giá đất tại nhiều địa phương thời gian qua sẽ được tháo gỡ khi Nghị định 71 quy định về giá đất có hiệu lực kể từ ngày Luật Đất đai 2024 được thi hành vào 1/8.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết để thị trường bất động sản Việt Nam thực sự ổn định và phát triển trở lại, rất cần một chữ “thông”, trong đó đặc biệt cần thiết phải “thông cầu, thông cung” – để cung và cầu bất động sản bị tắc nghẽn hiện nay có thể gặp nhau, thị trường mới “đổi sắc”. Trong đó, có một số việc cần phải làm cấp bách đúng nghĩa.