Về trang chủ Xã hội Tin tức Nhiều đại dự án thủy nông ở Tây Nguyên “đếm cua trong lỗ”: Kho nước lớn nhất Tây Nguyên chưa có… vùng tưới

Nhiều đại dự án thủy nông ở Tây Nguyên “đếm cua trong lỗ”: Kho nước lớn nhất Tây Nguyên chưa có… vùng tưới

Hồ thủy lợi Ia Mơr, ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có khoảng 180 triệu m3. Đây được xem là kho nước lớn nhất Tây Nguyên nhưng nhiều năm qua chưa hoạt động hết công suất vì vùng tưới đang là 4.700ha đất rừng đang tái sinh mạnh mẽ, chưa được chuyển đổi thành đất nông nghiệp.

Công trình Hồ thủy lợi Ia Mơr có khoảng 2.800ha diện tích mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3 nước nhưng chưa phục vụ hết công suất vì thiếu vùng tưới. Ảnh: Phan Tuấn
Dự án 3.000 tỉ đồng “cầm đèn chạy trước ôtô”

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào tháng 10.2005, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư các giai đoạn lên tới 3.000 tỉ đồng. Công trình thủy lợi Ia Mơr có diện tích khoảng 2.800ha mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 12.500ha của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân khu vực quanh hồ chứa và đường kênh. Ngoài ra, công trình còn giúp bảo đảm môi trường và kết hợp giảm lũ hạ du, phát điện, nuôi trồng thủy sản, du lịch…

Đến nay, Dự án Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bảo đảm đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347ha. Khu tưới thực tế đã hình thành, người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng 9.449ha (đạt 66%). Như vậy, dự án hồ thủy lợi 3.000 tỉ đồng này đã cầm đèn chạy trước ô tô vì chưa có vùng tưới (còn khoảng 34% trữ lượng nước chưa được khai thác, sử dụng).

Để bảo đảm dự án đi vào hoạt động hiệu quả thì phải chuyển đổi hơn 4.757ha rừng thuộc vùng tưới hồ Ia Mơr (nằm trong phạm vi diện tích 4.898ha đất tự nhiên vùng dự án) thành vùng sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng oái ăm thay, trong quá trình chờ cơ quan chức năng chuyển đổi thành đất nông nghiệp thì hơn 4.700ha rừng tại đây bắt đầu tái sinh xanh tốt và hình thành vùng sinh thái lâm sinh mới. Thậm chí, nhiều khu vực cây rừng đã lớn, có đường kính từ 20-50cm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, phần lớn diện tích rừng và đất rừng đang đề nghị quy hoạch thành vùng tưới cho Hồ thủy lợi Ia Mơr là hơn 4.700ha, nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Ia Mơr.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Việc rừng tái sinh phát triển, giữ độ che phủ của rừng, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn sẽ ủng hộ, bảo vệ.

Hiện tại trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025 chưa có vốn bố trí cho việc thiết kế vùng tưới bao gồm: Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, kênh dẫn, khai hoang đồng ruộng, nơi cư trú cho người dân bản địa…. Nếu chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất nông nghiệp thì cũng cần đến… 6.000 tỉ đồng để tiếp tục công cuộc thiết kế vùng tưới. Đây là số tiền lớn cần phải được Quốc hội thông qua.

Cần sớm “chốt hạ” giải pháp, tránh gây lãng phí dự án

Cách kho nước lớn nhất Tây Nguyên chỉ 15km, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk có cả chục ngàn ha đất nông nghiệp thiếu nước sản xuất. Thế nên, ở đây đang có hơn 4.200 người dân đi kinh tế mới nhưng thuộc diện đói nghèo. Nếu được đầu tư kênh mương thủy lợi thì có thể mở ra một tương lai tương sáng cho hàng ngàn người dân ở khu vực này.

Hiện nay, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp đã hình thành vùng tưới vượt quy mô dự án.  Điều đáng nói, trong tương lai ở khu vực xã Ia Rvê còn được dự kiến phát triển thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đơn vị kinh tế 737 dự kiến sẽ chuyển về cho địa phương diện tích khoảng 8.700ha, còn người dân xã Ia Rvê đang canh tác khoảng 6.600ha…

Nhiều năm qua, do chưa có hệ thống thủy lợi nên đất đai ở xã Ia Rvê thường xuyên phải bỏ hoang vì không có nước tưới cho các loại cây trồng. Mọi hoạt động sản xuất chỉ chờ đến khi mưa xuống mới mong có sự hiệu quả. Do đó, đến năm 2021, toàn xã Ia Rvê vẫn còn trên 50% số hộ, với 4.235 người dân lẩn quẩn trong cảnh đói nghèo.

Đơn cử như trường hợp gia đình ông Trần Văn Quyết, vào năm 2002 đã từ tỉnh Bến Tre lên xã Ia Rvê theo diện di dân làm kinh tế mới. Khi lên đây, do không có nước sản xuất nên bà con nông thôn đã tìm đến khu vực ven suối, sình lầy… để trồng cây điều, cây ăn trái. Tuy nhiên, do mùa khô kéo dài hơn 6 tháng, trong khi không có hồ đập thủy lợi nên các loại cây trồng không phát triển ổn định, cho năng suất rất thấp.

“Toàn thôn 7 có hơn 100 hộ gia đình sinh sống nhưng chỉ có 2 hộ gia đình thoát nghèo. 2 hộ gia đình này cán bộ đang làm việc ở UBND xã. Mặc dù có nhiều đất sản xuất nhưng nguyên nhân khiến người dân kinh tế mới chúng tôi luẩn quẩn trong đói nghèo là do không có nước sản xuất” – ông Quyết tâm sự.

Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho người dân vùng kinh tế mới xã Ia Rvê, các cấp ngành của tỉnh Đắk Lắk đã có những phương án đề xuất như kéo dài hệ thống kênh chính, kênh nhánh để mở rộng khu tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai) về đến xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Trong đó, diện tích được hưởng lợi từ dự án này là khoảng 3.500ha.

Để làm được điều này, thì các cấp ngành phải đồng ý xây dựng hệ thống công trình chuyển nước (trạm bơm và hệ thống đường ống) lấy nước trực tiếp từ phía trái lòng hồ Ia Mơr để tưới cho cây trồng ở xã Ia Rvê.

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nếu đầu tư hệ thống kênh mương từ hồ thủy lợi Ia Mơr về xã Ia Rvê thì sẽ có 1.850ha tưới theo hình thức tự chảy, 1.650ha tưới động lực, 1257,5ha diện tích dọc ven kênh chính Đông.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp khẳng định, địa phương mong muốn được bổ sung xã Ia Rvê thành khu tưới nhằm giúp người dân có tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Theo Báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm