Quy mô đầu tư các tài sản có nhiều rủi ro của các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu.
Thống kê của Tuổi Trẻ Online trên báo cáo tài chính quý 3-2023 cho thấy nhiều công ty chứng khoán có xu hướng tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
4 công ty nắm trái phiếu lớn nhất
Cụ thể tại thời điểm cuối tháng 9-2023, 10 công ty chứng khoán trong danh sách thống kê nắm giữ gần 56.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 6% so với cuối tháng 6-2023.
Trong đó, bốn công ty TCBS, VPBanks, SSI và VNDirect nắm gần 47.000 tỉ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết chiếm phần lớn.
Tại Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đến ngày 30-9-2023, công ty này nắm giữ hơn 14.940 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với đầu năm nay.
Nếu về giá trị tuyệt đối, TCBS vẫn là công ty chứng khoán “ôm” trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Nhưng xét về tỉ lệ, lượng trái phiếu nắm giữ của TCBS mới chỉ chiếm hơn 38% tổng tài sản.
Trong khi tại Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỉ lệ giá trị trái phiếu nắm giữ trên tổng tài sản hơn 50%. Cuối tháng 9-2023, VPBanks ghi nhận 10.545 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (đều chưa niêm yết), tăng 46% so với cuối năm ngoái.
Với Chứng khoán SSI, cuối quý 3 này, công ty có hơn 11.800 tỉ đồng trái phiếu, tăng 19% so với quý 2-2023 nhưng giảm 9% so với cuối năm 2022.
Chứng khoán VPS cũng ghi nhận xu hướng tăng lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ sau một quý. Cuối quý 3-2023, VPS có 2.203 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng gần 30% so với quý 2 liền trước.
Ngược lại, một số công ty tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Như Chứng khoán VNDirect, chiếm tỉ trọng lớn nhất tại danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn là trái phiếu doanh nghiệp với 9.705 tỉ đồng, nhưng đã giảm 5% so với quý 2 liền trước và giảm 8% so với đầu năm.
Tại Chứng khoán VIX, chỉ còn 866 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (toàn bộ chưa niêm yết) cuối tháng 9-2023, giảm 25% so với quý 2-2023 và giảm 50% so với cuối năm 2022.
Chứng khoán SHS – công ty con trai bầu Hiển – cũng giảm nắm giữ trái phiếu khi hết quý 3-2023 ghi nhận chưa đến 1.000 tỉ đồng, sụt một nửa so với đầu năm. Cơ cấu trái phiếu của SHS còn phần lớn là niêm yết.
Thấy gì khi trái phiếu doanh nghiệp tăng lên ở một số công ty?
Tại báo cáo cập nhật 9 tháng đầu năm 2023 vừa công bố, VIS Rating – công ty xếp hạng tín nhiệm thành lập từ vốn đầu tư của Moody’s – cho rằng “khẩu vị rủi ro” các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao.
VIS Rating dẫn số liệu cho thấy đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đã tăng lên 68.300 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, đặc biệt đến từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu.
Đơn vị công bố báo cáo cũng chỉ ra các công ty như TCBS, VPBanks trung bình tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 40-50% tổng tài sản vào cuối tháng 9-2023, từ mức 28-45% vào cuối tháng 12-2022.
“Chúng tôi cho rằng các khoản đầu tư này nằm trong mục tiêu chung của cả hệ sinh thái lớn nhằm hỗ trợ nhu cầu thanh khoản cho các khách hàng doanh nghiệp của họ”, VIS Rating nhận định.