Trong khi mọi năm vào thời điểm cận Tết, tiểu thương bán đồ thời trang ở các chợ đứng bán không kịp ăn cơm thì nay cả ngày có khi không bán được món nào.
Chợ Tết đìu hiu
Gần trưa ngày 3.1, bên trong khu chợ vốn sầm uất Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) thưa thớt khách đến mua sắm. Nhiều tiểu thương ở khu vực bán đồ thời trang kê ghế ngồi trước sạp lướt xem điện thoại. Đa số các tiểu thương ở đây đều than “năm nay lạ quá” vì đã vào mùa sắm sửa quần áo Tết nhưng khách giảm hơn một nửa so với mọi năm.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Thanh Hiền, quản lý sạp bán vải, áo dài may sẵn nằm ngay trung tâm chợ cho biết: “Năm nay chợ vắng hơn mọi năm. Khách không đến chợ mà giả sử có người vào sạp xem mẫu chưa chắc đã mua”.
Chị Hiền nhận định, chợ vắng là do năm nay kinh tế khó khăn, mọi người hạn chế sắm sửa. Phần nữa, một bộ phận giới trẻ bây giờ chuộng mua hàng qua mạng, không có thói quen và thời gian đến chợ trực tiếp lựa đồ.
Đối diện sạp của chị Hiền là nơi bán đồ bộ, đồ lam đi chùa của chị Lê Thị Khuyên. Người phụ nữ hết ngồi xem điện thoại rồi lại đứng dậy trông ngóng từng vị khách đi ngang qua, cất lời mời “ghé lựa đồ đi chị ơi”. Tuy nhiên, từ sáng đến giữa trưa, chị vẫn chưa bán được bộ nào. “Có khi 2 ngày mới bán được 1 bộ”, chị Khuyên kể.
Theo khảo sát của Thanh Niên với 10 tiểu thương bán đồ thời trang ở khu chợ này, cả 10 người đều cho biết năm nay không dám nhập hàng Tết. Mọi năm, trước Tết khoảng 2 tháng, có bao nhiêu vốn là họ lại nhập hàng về trữ bán vì biết Tết thể nào cũng đông khách.
Nhưng hơn nửa năm nay chợ cũng ế ẩm, tiền bán hằng ngày có khi không đủ chi tiêu trong gia đình nên mọi người “cụt vốn”. Thời điểm này, nhiều chủ sạp vẫn thấp thỏm lo không gom đủ tiền hàng trả cho mối sỉ từ những đợt trước. Không nhập hàng mới đồng nghĩa với việc mẫu mã tại sạp không đa dạng trong khi khách chỉ thích mẫu mới. Vì thế, cho dù có khách ghé chợ thì nhiều người cũng chỉ dạo một vòng rồi rời đi.
Thấy cảnh thua lỗ trước mắt, chị Khuyên, chị Hiền không dám nghĩ tình hình mua bán từ giờ đến Tết sẽ khả quan. Mọi người chỉ mong sắp tới tình hình mua bán khả quan hơn để kiếm tiền trả nợ cho mối sỉ, không mong sắm Tết như mọi năm.
Người xoay xở đủ cách, người tính đường bỏ nghề
Vào sâu bên trong khu vực bán quần áo, nhiều sạp hàng đã trả mặt bằng. Tiểu thương ở đây cho biết giá thuê sạp trước đây không dưới 10 triệu/tháng nhưng hiện tại 500.000 đồng cũng không có người thuê. Hầu hết những người còn trụ lại ở khu chợ này là bởi họ đã mua lại sạp, mỗi tháng chỉ đóng thêm phí, điện nước…
Trước tình hình khó khăn này, nhiều người xoay xở đủ cách như thử đăng mặt hàng lên trang cá nhân trên mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm. Nhiều người thấy khách sỉ chưa đặt hàng thì chủ động hỏi thăm, chào mẫu mới.
Chị Hiền cho biết sạp của mình cũng bán được một số đơn sỉ, lẻ cho khách quen nhờ chủ động chào mời. Tuy nhiên, nếu để tồn tại trong thời gian sắp tới, chị Hiền biết mình phải thay đổi cách thức kinh doanh, kết hợp bán hàng online hay tham gia các sàn thương mại điện tử.
Bà Phạm Thị Thu Cúc – bán đồ bộ mặc nhà trong chợ lại “đứng hình” khi ai đó gợi ý bà thử bán hàng online. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi cho biết: “Mắt tôi kém, thao tác cũng chậm chạp, chỉ dùng điện thoại để nhắn tin gọi điện, nói về bán hàng online tôi mù mờ lắm”.
Tận dụng khoảng trống của sạp đối diện đã đóng cửa từ lâu, bà Cúc lấy hàng của mình treo lên một dãy để thu hút khách, cũng là để khu vực bán hàng đỡ trống trải.
Sau khi có 2 vị khách nán lại hỏi mẫu, bà Cúc ra sức giới thiệu hàng chục bộ đồ, bảo khách thử rồi cho khách soi gương để xem xét, lựa chọn. Sau khi có khách chê màu này không hợp, bà lập tức khui ra thêm nhiều bộ mẫu mã, màu sắc khác nhau để khách lựa chọn.
Chưa hết, bà còn chạy sang sạp bên cạnh hỏi xem có kiểu như khách đang cần không để mượn về bán. Mục tiêu của bà Cúc là bán được mở hàng trong buổi sáng. Lượng hàng tồn còn nhiều nên bà Cúc tìm đủ mọi cách như chào mời khách hàng, nhiệt tình tư vấn, chiều lòng khách bên cạnh giảm giá sản phẩm…
Còn chị Khuyên thì sau Tết có ý định sẽ thu hẹp kinh doanh, kiếm việc khác để làm sau 6 năm gắn bó ở chợ Phạm Văn Hai. “Bán quần áo giờ cạnh tranh nhiều, khách không ghé chợ mà tôi cũng chưa biết cách bán hàng online nên hiện tại như “chết đứng””, chị nói.
Từ việc những sạp hàng của tiểu thương chợ truyền thống đìu hiu dẫn đến khu Tân Bình (Q.Tân Bình) – chợ bỏ sỉ quần áo lớn ở TP.HCM cách chợ Phạm Văn Hai chừng 2 km cũng cùng chung cảnh ngộ.
Anh Hân Lai, chủ sạp hàng chuyên bỏ sỉ đồ bộ, đầm váy trung niên chia sẻ: “Hiện chúng tôi vẫn có đơn hàng sỉ ở TP.HCM và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nếu như mọi năm mỗi mẫu khách lấy đủ chục màu thì nay chỉ lấy 2 – 3 màu. Số lượng hàng giảm hơn một nửa”.
Bên trong khu chợ sỉ này, trong khi một số sạp có 2 – 3 nhân viên đang tất bật đóng gói quần áo chuẩn bị giao sỉ thì vẫn có nhiều chỗ nhân viên ngồi lướt điện thoại xem phim.
“Chợ vắng nên các xưởng may cũng cho công nhân nghỉ việc sớm, ảnh hưởng đến rất nhiều người chứ không phải đùa”, anh Lai nói.