Báo chí đã cảnh báo nhiều, nhưng vẫn còn nhiều thảm kịch chết vì ngủ trong xe bật điều hòa. Theo các chuyên gia, khi ô tô dừng tại chỗ, bật máy lạnh khiến lượng oxy giảm dần, tăng lượng khí CO gây ngộ độc khí dẫn đến cái chết “êm dịu”.
Ngày 1-6, khi mất điện, ba cha con ở TP Hải Phòng đã vào ô tô của gia đình bật máy lạnh ngủ dẫn tới việc một người chết, hai người khác cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiến An cảnh báo: khi ô tô dừng tại chỗ bật máy lạnh sẽ khiến hàm lượng oxy giảm dần.
Các bác sĩ nhận định nếu không lấy gió bên ngoài, không khí không có sự lưu thông dẫn đến tăng hàm lượng khí carbon monoxide (CO) và loại khí này sẽ khiến người ngủ trong xe bị ngộ độc, hôn mê đến chết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết trong trường hợp này nhiều khả năng nạn nhân để chế độ máy lạnh lấy gió trong của ô tô.
“Chính việc lấy gió trong đó khiến không có lưu thông không khí với bên ngoài, khí CO2 từ hơi thở ra tăng, tuy nhiên khí CO2 này không phải nguyên nhân chính gây hôn mê.
Nguyên nhân khi động cơ ô tô hoạt động sinh ra nhiều loại khí, trong đó có CO và metan. Đặc biệt khí CO không có mùi, biểu hiện nhiễm độc CO cũng từ từ không gây ra bất kỳ cảnh báo nào đối với cơ thể.
Khi nồng độ CO cao làm hồng cầu của người ở trong môi trường nhiễm độc không chở oxy được nữa, khiến bệnh nhân lịm dần đi”, bác sĩ Hoàng phân tích.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc khí CO có thể gây ra cái chết “êm dịu”, bởi bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện.
Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.
Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.
40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ ngộ độc khí khi sử dụng máy lạnh trong ô tô, cần chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu; lấy gió ngoài hoặc mở hé cửa để lưu thông không khí tốt.
Đặc biệt, không nên đậu xe trong không gian kín như hầm, gara mà nên đỗ xe khu vực thông thoáng, trao đổi khí tốt.
Theo Báo Tuổi Trẻ