Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than (NĐT), bụi độc sản sinh trong quá trình sản xuất điện gây nên nhiều căn bệnh trầm trọng như nhồi máu cơ tim, tâm thần kinh, thai chết lưu, quái thai…. Đây là bài toán khó khi nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất và đời sống đang ngày một tăng cao.
Ghi nhận thực tế từ Hải Hà
Ông Nguyễn Trọng An -Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng-RTCCD, dẫn theo báo cáo của Trạm y tế xã Hải Hà (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), những người dân sinh sống cách cột khói trong bán kính 20km xung quanh Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, số người tử vong do ung thư phổi, gan, dạ dày… của xã chiếm số lượng cao nhất trong tổng số những ca bệnh tật chết người hàng năm.
Người dân mắc các bệnh như đột quỵ, phổi, tâm thần… những năm gần đây trong xã cũng tăng cao. Số ca tử vong do ung thư của xã Hải Hà trong 5 năm liền từ 2013-2017 tăng từ 8-15 ca/năm, chiếm 30-40% tổng số người chết.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2014, số ca tử vong do ung thư tăng vọt, chiếm gần 45%, một năm có 15 người chết do ung thư phổi, gan, dạ dày… trong tổng số từ 34-55 người chết của xã. Bên cạnh đó, ở xã rất đông bệnh nhân về tâm thần, nghễnh ngãng và các vấn đề sức khỏe khác tăng cao.
Ông An nhấn mạnh: Chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh năng lượng nhưng vẫn phải đặt vấn đề an toàn là đầu tiên, sức khỏe là đầu tiên, con người phải sống khỏe mạnh và phát triển.
Kết quả nghiên cứu quốc tế
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về gánh nặng bệnh tật do NĐT ở Đông Nam Á, đặc biệt là Quy hoạch Điện VII ở Việt Nam được công bố vào tháng 1/2017, thì số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm NĐT sẽ tăng từ 4.300 ca năm 2011, lên đến 15.700 ca vào năm 2030.
Vấn đề lo ngại đối với NĐT là khói và xỉ than ảnh hưởng đến sức khỏe con người, bởi bụi ở trong khói và bụi trong xỉ than chứa rất nhiều bụi độc, đặc biệt là loại bụi siêu nhỏ (kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc).
Loại bụi này gây ra rất nhiều loại bệnh thông qua tiếp xúc, đặc biệt nó quá nhỏ nên dễ dàng chui qua cuống phổi, phế quản, tiểu phế quản vào phế nang để gây ra rất nhiều bệnh như: Huyết áp, tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn, hen, nhồi máu cơ tim, tâm thần kinh, giảm trí nhớ, thai chết lưu và quái thai.
Đầu tư nhiệt điện than rẻ hay đắt ?
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Việt Nam hiện có 21 nhà máy NĐT, tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW. Tất cả các nhà máy NĐT đã đi vào vận hành đều được Bộ Tài nguyên-Môi trường thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại tọa đàm “NĐT và vấn đề an ninh năng lượng, môi trường và sức khỏe con người” do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức vừa qua, ông Nghiêm Vũ Khải -Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đánh giá: Xu thế chung của thế giới về NĐT sẽ giảm và được thay thế bằng các loại năng lượng khác, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.
Ở Việt Nam, hiện có trên 20 nhà máy NĐT công suất 14.000MW, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 65 nhà máy, tương đương 400.000MW. Tính sơ bộ 1.000MW điện tiêu thụ từ 3 đến 3,5 triệu tấn than, trong đó lượng xỉ than thải ra chiếm 1/3.
Ông Nguyễn Trọng An đưa ra bài toán: “Chúng ta nói giá NĐT rẻ, điện mặt trời, thủy điện, phong điện… giá đắt hơn. Nhưng nếu tính chi phí cho việc điều trị 135.000 ca ung thư, chưa kể viêm phổi tắc nghẽn, huyết áp, đột quỵ… và gần 75.000 người chết với nhiều nguyên nhân về thức ăn, thực phẩm… nhuốm độc do khói bụi từ NĐT thì sẽ thấy là rẻ hay đắt”.
Vấn đề ở khâu vận hành
Trước những thông tin về ô nhiễm NĐT ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ông Trương Duy Nghĩa -Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, làm bất kỳ sản xuất công nghiệp gì cũng gây ô nhiễm, vấn đề phải xem là xử lý ô nhiễm như thế nào.
Trong các loại hình nhà máy công nghiệp sử dụng than thì NĐT là một trong những nhà máy có công nghệ sử dụng công nghệ xử lý tro xỉ tốt nhất. Hiện không có nhà máy nhiệt điện nào của chúng ta là không có lọc bụi tĩnh điện.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cung cấp thêm thông tin: Hiện nay, trong Tổng sơ đồ điện VII, riêng khoản chi cho vấn đề môi trường là 3,4 tỉ USD năm 2030, trong đó chưa kể đến chi phí đền bù cho y tế, còn đền bù cho nông nghiệp, đền bù cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, công nghệ lọc bụi của các nhà máy NĐT thì đảm bảo, nhưng khi vận hành để đảm bảo tính kỷ luật theo công nghệ đó thì tốn kém, tính kỷ luật của con người kém.
Về mặt công nghệ, ông Trần Đình Sính -Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng Tạo Xanh-GreenID, cho biết: Hiện nay, nhà máy NĐT chúng ta có hầu hết là công nghệ cận giới hạn, còn nhà máy có công nghệ siêu giới hạn thì còn khiêm tốn, và trong tương lai chúng ta cần áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn để giảm tác hại. Ví dụ như những công nghệ thu giữ, xử lý cac-bon….
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn
Áp dụng truy xuất nguồn gốc để chống nạn đội lốt nông sản Việt
An Nguy-Kiều Minh Tuấn-Cát Phượng: Kiều Minh Tuấn hoàn cát xê, Dung Bình Dương không rút đơn kiện
Trí tuệ nhân tạo-AI: Hỗ trợ kiểm toán phát hiện gian lận chi phí