Về trang chủ Xu hướng Nhật Bản cân bằng lợi ích với Trung Quốc từ mâu thuẫn vụ xả thải phóng xạ

Nhật Bản cân bằng lợi ích với Trung Quốc từ mâu thuẫn vụ xả thải phóng xạ

Sau vụ xả thải từ nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản đang đứng trước những khó khăn cả về ngoại giao và kinh tế đòi hỏi họ phải cân bằng lợi ích với Trung Quốc.

Hiện việc Nhật Bản xả thải hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân số 1 Fukushima ra biển vẫn đang vấp phải sự phản đối từ Triều Tiên, các đảng đối lập ở Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc. Đúng ngày Nhật Bản thực hiện kế hoạch bơm nước ra biển, Trung Quốc cũng đã tuyên bố cấm toàn diện nhập khẩu các mặt hàng hải sản của Nhật Bản. Ngoài hiện tượng “tẩy chay” các sản phẩm thủy sản xuất xứ từ Nhật Bản, người tiêu dùng Trung Quốc còn lập danh sách đen các thương hiệu mỹ phẩm và hủy các tour du lịch đến quốc gia này, như một cách phản đối với Tokyo về vụ xả thải. Nhật Bản đang đứng trước những khó khăn cả về ngoại giao và kinh tế, đòi hỏi có những biện pháp hài hòa để có thể duy trì lợi ích.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: NHK.
Thúc đẩy ngoại giao, cứng rắn duy trì lập trường

Từ năm 2021, thời điểm Nhật Bản công bố sẽ xử lý nước thải nhiễm xạ và xả ra biển với độ an toàn cho phép, họ đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện các quy chế theo từng giai đoạn đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ngoài ra, theo thông tin từ Nhật Bản, trong những ngày này, những cơ quan, tổ chức của Nhật Bản, tỉnh Fukushima đã liên tục nhận những phản ứng tiêu cực liên quan đến kế hoạch xả thải thông qua những số điện thoại từ Trung Quốc.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tôn trọng kiểm chứng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đồng thời sẽ giám sát quá trình xả thải cùng một số quốc gia. Mặc dù vậy, sự nghi ngại vẫn tiếp diễn khi tổ chức nghề cá của Hàn Quốc, ngư dân Hàn Quốc yêu cầu chính phủ nước này xem xét lại vấn đề.

Trước đó, ngoài việc xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, Nhật Bản đồng thời thuyết trình rõ ràng việc xả thải tại Hội nghị G7, nhiều diễn đàn quốc tế và đối tác liên quan.

Trong một phát ngôn mới nhất vào ngày 29/8, chính phủ Nhật Bản một lần nữa nhấn mạnh rằng Kế hoạch này được thực hiện dựa trên kết luận của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng điều kiện xả thải “phù hợp với tiêu chuẩn an toàn quốc tế”, đồng thời đã tham khảo ý kiến của các ngư dân trong nước và giải thích với cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết thêm Nhật Bản đương nhiên mong muốn đảm bảo sự an toàn đối tuyệt đối đối với các nước nước xung quanh. Riêng Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản yêu cầu kêu gọi người dân Trung Quốc có hành động bình tĩnh và trách nhiệm hơn trong vấn đề này. Nhật Bản mong muốn tiếp tục giải thích đối với Trung Quốc.

Ngư dân Nhật Bản đối mặt với tình trạng ngừng đánh bắt

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, đồng thời cũng là nơi xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Nhật Bản. Do đó, theo đại diện của Liên đoàn kinh tế Nhật Bản việc Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn diện các mặt hàng thủy sản của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế và rất đáng lo ngại.

Cụ thể tại thành phố biển Kagoshima, ngư dân tại đây đã phải hủy bỏ kế hoạch đánh bắt cá vốn đã dự kiến thực hiện từ cuối tháng này đến đầu tháng sau. Các doanh nghiệp thu mua cá đã thông báo tạm ngừng thu mua. Hơn nữa, vào tháng trước đã chịu ảnh hưởng lớn do những đợt mưa lớn, lượng đánh bắt cá giảm 40% so với năm ngoái.

Cùng với việc ngừng đánh bắt, doanh thu sẽ không có, đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến mùa đánh bắt sau.

Một doanh nghiệp chế biển hải sản của tỉnh Mie vừa khôi phục lại hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 thì nay lại phải tạm dừng.

Việc xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc mới chỉ được mở lại vào tháng 4/2022. Có nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng xuất khẩu, nay vấp phải vấn đề này đã không biết phải xoay sở ra sao. Một doanh nghiệp xuất khẩu sò điệp sang Trung Quốc tại Hokkaido cũng bày tỏ sự lo lắng, hy vọng hoạt động xuất khẩu sẽ sớm được thực hiện trở lại.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, năm 2022, hơn 90% kim ngạch xuất khẩu sò điệp xuất khẩu sang Trung Quốc là từ Hokkaido. Rõ ràng sắp tới doanh thu của Hokkaido từ hoạt động xuất khẩu sò điệp sang Trung Quốc sẽ giảm mạnh.

Để giải quyết trước mắt, Hiệp hội nghề cá Nhật Bản và các địa phương sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ. Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra gói hỗ trợ khoảng 300 tỷ yên cho các ngư dân bao gồm đầu tư trang thiết bị và bồi thường thiệt hại. Đồng thời sẽ tìm những đối tác xuất khẩu mới bao gồm thị trường châu Âu.

Cân bằng lợi ích với Trung Quốc từ mâu thuẫn

Để lý giải về việc xả thải, Nhật Bản cũng đã phái Chủ tịch đảng Công Minh-Đảng liên minh cầm quyền thăm Trung Quốc vào ngày 28/8 vừa qua. Tuy nhiên, trước đó vào ngày 24/8, do Trung Quốc ban hành qui chế cấm đối với mặt hàng thủy hải sản Nhật Bản nên chuyến thăm đã bị hoãn vào thời điểm thích hợp.

Về kinh tế, có khả năng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có những phản ứng như tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, hủy đi du lịch Nhật Bản. Điều này rất đáng lo ngại. Trước dịch Covid-19 khi ra đường, khách du lịch Trung Quốc có mặt rất nhiều tại đường phố Nhật Bản, có mặt hầu hết tại các trung tâm thương mại lớn. Khoảng 10 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản hàng năm, chiếm 1/3 lượng khách nước ngoài. Ngành du lịch Nhật Bản đóng góp khoảng 6-7% vào GDP.

Như vậy, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp lớn là thuyết trình cụ thể kế hoạch xả thải với Trung Quốc, mong muốn nhận được sự ủng hộ từ quốc gia này. Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục thông qua con đường ngoại giao để Trung Quốc có thể bãi bỏ sớm qui chế nhập khẩu đối với mặt hàng thủy hải sản của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ không từ bỏ lợi ích kinh tế từ Trung Quốc và khả năng sẽ có những thay đổi về mặt ngoại giao, thúc đẩy các cuộc gặp cấp cao, thương lượng các biện pháp thích hợp cho cả hai bên.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm