Thị trường chứng khoán vừa biến động mạnh khiến tài khoản của không ít nhà đầu tư bị thua lỗ nặng. Tuy nhiên, trong một tháng nay cũng có nhiều cổ phiếu phục hồi cả chục phần trăm, thậm chí tăng giá tới 133%.
Thị trường chứng khoán liên tục đối mặt nhiều phiên biến động, điều chỉnh mạnh, khiến tâm lý của không ít nhà đầu tư trở nên lo lắng. Tuy nhiên tuần này và trong một tháng nay cũng có nhiều mã hồi phục, tăng vọt.
Nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn hồi phục tốt trong tuần này
Tính từ mức đáy được xác lập giữa tuần này, chỉ số VN-Index đã hồi phục và tăng gần 60 điểm. Khép lại tuần giao dịch, VN-Index tăng hơn 16% so với tuần liền trước ( 1,5%). Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM cũng hồi phục hơn 7% và 4,6% kể từ đáy giữa tuần.
Trong tuần, diễn biến giảm từ 4-7% của các “ông lớn” như SSB (SeABank), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam) và MWG (Thế giới di động)… đã kéo thị trường đi xuống. Đối lập, nhịp hồi phục, tăng điểm trở lại được các cổ phiếu khác dẫn dắt như VCB (Vietcombank, 5%), HPG (Hòa Phát, 8%) và MSN (Masan, 11%).
Tuần này thanh khoản còn yếu, đạt gần 15.930 tỉ đồng/phiên (-4%). Điểm sáng là khối ngoại trở lại mua ròng trên cả ba sàn với tổng giá trị hơn 630 tỉ đồng.
Nhận định “thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo”, đội ngũ phân tích của phía Chứng khoán SHS cho biết, nếu tuần tới VN-Index tiếp tục hồi phục thì nhà đầu tư ngắn hạn có thể tham gia giải ngân với quan điểm thận trọng. Diễn biến tăng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
“Chúng tôi kỳ vọng những thông tin hỗ trợ xuất hiện gần đây sẽ cải thiện tâm lý thị trường và thúc đẩy đà phục hồi của các chỉ số chứng khoán”, ông Đinh Quang Hinh – trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích của Chứng khoán VNDirect – chia sẻ.
Theo đó, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có những động thái ôn hòa hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chỉ số đồng USD cũng quay đầu giảm mạnh, giúp tâm lý nhà đầu tư chứng khoán được cải thiện hơn.
Dù vậy, ông Hinh cho biết nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) để mua cổ phiếu với góc nhìn trung và dài hạn, không tập trung một cổ phiếu hoặc nhóm ngành duy nhất. Có thể chia khoản đầu tư dài hạn thành nhiều phần, giải ngân từ từ hoặc theo kiểu tích sản.
Điểm danh các cổ phiếu tăng giá mạnh trong một tháng nay trên UPCoM
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong tháng vừa qua diễn biến giao dịch có phần kém sôi động so với tháng trước.
Trên sàn UPCoM, khối lượng giao dịch bình quân giảm gần 36%, đạt xấp xỉ hơn 44,4 triệu cổ phiếu/phiên. Giá trị giao dịch cũng giảm gần 38%, còn hơn 650 tỉ đồng mỗi phiên.
Về diễn biến giá, mã chứng khoán TEL của Công ty cổ phần Phát triển Công trình Viễn thông trở thành gương mặt nổi bật, tăng gần 133% chỉ trong tháng 10 vừa qua. Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 11, mã này đang neo ở giá 12.100 đồng/cổ phiếu, tương đương biến động giảm 15% một tuần nay, nhưng vẫn tăng hơn 98% trong vòng một tháng nay.
Tiếp đến, cổ phiếu H11 của Công ty cổ phần Xây dựng HUD101 cũng tăng hơn 83% trong tháng vừa qua. Hiện mã này đang có giá đóng cửa đạt 11.000 đồng, tức bị rớt 22% giá trị trong tuần này, song tính trong một tháng thì cũng có biến động tăng hơn 81%.
Ngoài ra, trong nhóm tăng giá mạnh ở sàn UPCoM còn có sự góp mặt của cổ phiếu KHL (Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long), TBH (Tổng Bách hóa), DNL (Logistics Cảng Đà Nẵng)…
Giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán đạt 340 tỉ đồng (-7%), mua ròng 35 tỉ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm giao dịch trên UPCoM trong tháng qua với tổng giá trị hơn 630 tỉ đồng, giảm hơn 30% so với tháng liền trước, trong đó mua ròng 99 tỉ đồng. Các cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều gồm: BSR, QNS, MPC, ACV, MCH. Nhóm này tập trung bán VEA, BSR, MPC, ACV, ABI.