Dù mới chỉ ra đời và đi vào hoạt động từ đầu năm 2022 nhưng đến nay, Triển lãm Ba ngàn Art do Hợp tác xã Sinh Dược, tỉnh Ninh Bình thành lập đã mở ra nhiều triển lãm nghệ thuật truyền thống và giới thiệu hình ảnh nghệ thuật mới đến với công chúng.
Nhà triển lãm là nơi “chắp cánh”, giúp nghệ sỹ có thể giới thiệu tác phẩm của mình đến với những người yêu thích nghệ thuật và góp phần tạo thêm điểm đến du lịch cho nhân dân và du khách.
Truyền cảm hứng tìm hiểu văn hóa truyền thống cho giới trẻ
Nằm ở trung tâm thành phố Ninh Bình nhưng Nhà Triển lãm Ba ngàn Art giản dị mang trong mình sự tĩnh lặng, yên bình. Với ý tưởng trở thành một địa điểm triển lãm tất cả các giá trị về con người bao gồm văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, di sản cũng như các góc cạnh của sự sống quá khứ, hiện tại, Ban tổ chức của Nhà Triển lãm Ba ngàn Art đã chủ động mời gọi các nghệ sỹ, cơ sở, đơn vị phối hợp thực hiện các triển lãm và mở cửa miễn phí cho công chúng yêu nghệ thuật.
Trong đó, tạo ấn tượng mạnh với công chúng phải kể đến Triển lãm “Nếp màu tự nhiên” do Nhà triển lãm Ba ngàn Art phối hợp với cơ sở Thiết kế và may trang phục truyền thống Đông Phong, Hà Nội. Triển lãm đã trưng bày 15 bộ cổ phục Việt Nam và 27 tấm vải đũi tơ tằm được nhuộm hoàn toàn bằng màu sắc tự nhiên như: gỗ Tô Mộc, cao Chàm, lá Bàng, lá Ngải, Trầu không, vỏ Vải khô, hồng hoa, tổ cánh kiến…; đồng thời, tái hiện lại một phần của quy trình nhuộm vải, cũng như chia sẻ câu chuyện của làng lụa Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Triển lãm giúp công chúng được tiếp cận về câu chuyện của màu sắc tự nhiên, giữ gìn và phát huy các nét đẹp truyền thống của Cổ phục Việt Nam qua các triều đại, qua đó hướng tới câu chuyện sẻ chia giá trị văn hóa, di sản về nghề thủ công mang đậm bản sắc dân tộc.
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy, người sáng lập thương hiệu cổ phục Đông Phong cho biết, tôi tự tìm hiểu và thấy rằng Việt Nam không chỉ có chữ viết hay ẩm thực thu hút mà còn có những bộ trang phục truyền thống. Cảm nhận rõ được tình yêu và niềm tự hào về nền văn hóa truyền thống đặc sắc của đất nước mình, từ đó, tôi lên ý tưởng làm những bộ trang phục truyền thống và mở triển lãm. May mắn được sự hỗ trợ từ Nhà triển lãm Ba ngàn Art đã giúp cho tôi có thể đưa văn hóa Việt Nam tiếp cận gần hơn với công chúng đặc biệt là giới trẻ.
Đầu năm 2022, công chúng yêu nghệ thuật tại Ninh Bình được chiêm ngưỡng Triển lãm có tên gọi “Ông Ba Mươi”. Đây là một triển lãm chuyên đề với sự góp mặt của hai gương mặt nghệ sỹ quen thuộc giới mỹ thuật Ninh Bình là Kù Kao Khải và Nguyễn Thanh Túc. Lấy cảm hứng trong quan niệm dân gian về 12 con giáp trong tư duy truyền thống, hai tác giả đã mang đến triển lãm bộ tranh, tượng gồm 24 ông Hổ với nhiều kiểu dáng, chất liệu, hình thể khác nhau. Hình tượng Hổ qua lăng kính của hai nghệ sỹ khá lạ mắt và có sự cách điệu đáng kể so với hình dung về ông Hổ truyền thống trong tư duy của người Việt. Trong khi Kù Kao Khải làm mới mình trong cảm hứng sáng tạo với tranh vẽ thì Nguyễn Thanh Túc tuy trung thành với chất liệu gỗ nhưng lại “dồn nén” tư duy sáng tạo và “bung tỏa” cách tạo hình qua những mảng miếng, hình khối lập thể. Ông Hổ qua mô tả của Kù Kao Khải là ông Hổ gần gũi trong tín ngưỡng dân gian vừa uy linh, vừa mạnh mẽ.
Nhà thơ, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình chia sẻ, Hợp tác xã Sinh Dược đã đầu tư xây dựng một không gian triển lãm riêng với ý tưởng biến nơi đây thành một “điểm hẹn” của giới văn nghệ tại Ninh Bình. Hoạt động triển lãm này chính là bước đi tiên phong đáng ghi nhận của một đơn vị “đỡ đầu” cho các hoạt động nghệ thuật của các văn nghệ sĩ tại một địa phương không phải là trung tâm, vốn không có nhiều chất xúc tác cho thị trường sản phẩm mỹ thuật phát triển. Trong xu hướng khuyến khích phát triển kinh tế, du lịch, quảng bá thương hiệu tại Ninh Bình, triển lãm mỹ thuật này là một gợi ý cho nhiều dự án nghệ thuật táo bạo hơn nữa trong tương lai. Đồng thời, qua các triển lãm góp phần tạo cảm hứng tìm hiểu văn hóa truyền thống, các góc cạnh đời sống cho giới trẻ hiện nay.
Thế giới chứa đựng “Ba ngàn nghệ thuật”
Từ khi thành lập đến nay, Nhà triển lãm Ba ngàn Art đã tổ chức 8 triển lãm bao gồm nhiều lĩnh vực như mỹ thuật, đời sống…với kinh phí trên 800 triệu đồng, thu hút trên 8.000 lượt khách đến thăm quan. Nhà Triển lãm Ba ngàn Art đã thành công tạo được sự hấp dẫn cho du lịch, đồng thời cũng đang dần trở thành một điểm đến văn hóa để gắn kết cộng đồng.
Bà Đỗ Quyên, Đại diện Nhà triển lãm Ba ngàn Art cho biết, với mong muốn mở ra nhiều triển lãm giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và giới thiệu hình ảnh nghệ thuật mới đến với công chúng góp phần giúp các nghệ sỹ giới thiệu tác phẩm của mình đến nhân dân, Nhà Triển lãm Ba ngàn Art được thành lập với ý tưởng đó. Mỗi một triển lãm đều việc hướng đến việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ và đời sống tinh thần cho con người. Vì vậy, các triển lãm mở cửa đều được Nhà Triển lãm Ba ngàn Art miễn phí hoàn toàn vé vào cửa nhằm tạo điểm đến cho nhân dân và du khách. Bên cạnh đó, kinh phí để tổ chức các triển lãm, Nhà Triển lãm Ba ngàn Art đều hỗ trợ 100% cho các nghệ sỹ và đơn vị phối hợp qua đó giúp các nghệ sỹ có cơ hội tiếp cận gần hơn với công chúng thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Em Bùi Tuấn Anh, thành phố Ninh Bình chia sẻ, em biết đến Nhà triển lãm Ba ngàn Art thông qua các buổi triển lãm như “Nếp màu tự nhiên”; “Mơ về thiên đường”; “Kỷ vật chiến tranh”… Với mỗi buổi triển lãm, Nhà triển lãm Ba ngàn Art đã mang đến cho em một ấn tượng và cảm nhận riêng. Mong rằng, Nhà triển lãm sẽ tiếp tục mở thêm nhiều triển lãm mang ý nghĩa nhân văn để giúp cho người dân và du khách có thêm một điểm đến thăm quan, trải nghiệm về văn hóa.
Theo đại diện Nhà triển lãm Ba ngàn Art, thời gian tới, Nhà triển lãm tiếp tục phối hợp cùng với các nghệ sỹ, đơn vị trong và ngoài tỉnh để tổ chức các triển lãm nhằm góp phần tạo thêm điểm đến văn hóa, du lịch tại địa phương.
Theo TTXVN