Các nhà mạng di động cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị mạng lưới phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, với khả năng đáp ứng đến 120% lưu lượng dự kiến. Đặc biệt, AI được ứng dụng để tối ưu chất lượng mạng.
Theo nghiên cứu của nhà mạng Viettel, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, dự kiến có hơn 7 triệu thuê bao di chuyển, tương đương năm 2023.
Nhu cầu dữ liệu tăng, thoại giảm
Trong số đó, 5 tỉnh ghi nhận thuê bao di chuyển nhiều nhất là An Giang, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa. Số lượng thuê bao di chuyển về các tỉnh này chiếm khoảng 25-40% thuê bao tại tỉnh trong ngày thường.
Trong khi đó, những thay đổi về lưu lượng thoại và data (dữ liệu) cho thấy rõ xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ thoại sang data của người dùng. Lưu lượng cả 2 dịch vụ đều tăng so với ngày thường. Song so với cùng kỳ những năm trước, lưu lượng thoại giảm và lưu lượng data tăng mạnh.
Cụ thể, theo ghi nhận ngày 5-2 (26 Tết) của Viettel, lưu lượng thoại tăng 9% so với ngày thường, nhưng so với cùng kỳ năm 2023 và 2022 giảm lần lượt 17% và 31%. Trong khi đó, thay đổi lưu lượng data lại theo chiều ngược lại, so với cùng kỳ 2023 và 2022 tăng lần lượt 10% và 45%.
Dự kiến, tổng lưu lượng thoại trên toàn mạng tăng 10% so với ngày thường và giảm 15% so với dịp Tết âm lịch năm 2023. Lưu lượng data dự kiến tăng 10% so với ngày thường và tăng 18% so với dịp Tết âm lịch 2023.
Dịp Tết Nguyên đán 2024 dự kiến có gần 700 lễ hội, sự kiện trên toàn quốc, tương đương với năm 2023. Tuy nhiên, số lượng điểm bắn pháo hoa giao thừa tăng gần 20% sẽ là thách thức lớn cho lực lượng kỹ thuật của các nhà mạng.
Dùng AI tối ưu chất lượng mạng
Đến thời điểm hiện tại, Viettel cho biết đã hoàn thành triển khai 15.000 giải pháp để bổ sung tài nguyên, sẵn sàng đáp ứng 120% lưu lượng dự kiến. Nổi bật trong số đó là 700 trạm mới, 1.000 trạm nhỏ, 100 xe cơ động và hơn 13.000 giải pháp nâng cấp cấu hình cao cho trạm BTS. Bên cạnh đó, gần 100 trạm 5G được triển khai tại các lễ hội sự kiện để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Đặc biệt, lần đầu tiên Viettel ứng dụng AI trong việc tối ưu chất lượng mạng. Cụ thể, ứng dụng XO do chính các kỹ sư VTNet phát triển có khả năng tự động tối ưu vùng phủ, tự động đưa ra cảnh báo, giải pháp và thực hiện hành động để đảm bảo vùng phủ tốt nhất.
Ứng dụng XO đặc biệt hữu ích trong dịp Tết Nguyên đán, kịp thời tinh chỉnh vùng phủ khi thuê bao di chuyển trên toàn bộ mạng lưới, điều mà không thể thực hiện bằng sức người. Qua ghi nhận thực tế tại các vị trí áp dụng XO, vùng phủ tại mỗi trạm cải thiện 10%, tốc độ cải thiện 5% và các KPI cải thiện 10% so với trước kia.
Trong khi đó, Tập đoàn VNPT cho biết đã bổ sung trạm phát sóng di động, triển khai nâng cấp tài nguyên phần vô tuyến cho hơn 3.000 trạm phát sóng để đảm bảo chất lượng mạng tại gần 300 địa điểm tổ chức lễ hội lớn trên toàn quốc dự báo sẽ tập trung đông người.
VNPT cũng phát sóng khoảng hơn 100 điểm trạm 5G trên 10 tỉnh/thành phố, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, tại những khu vực có đông dân cư để tăng trải nghiệm cho người dân trong dịp Tết Giáp Thìn.
Mạng Internet quốc tế cũng được VNPT chú trọng đầu tư với dung lượng tăng 20% với nhiều hướng cáp đất để đảm bảo dự phòng trong trường hợp đứt cáp biển. Dung lượng mạng đường trục tăng 32% đáp ứng lưu thoát lưu lượng cho khách hàng Internet băng rộng cố định và Internet di động.
Mong mạng không yếu làm Tết mất vui
Nhiều người dân đang rất trông chờ được trải nghiệm mạng Internet một cách mượt mà, không chập chờn, để không bị gián đoạn cuộc vui ngày Tết, cũng như kịp thời xử lý công việc.
Vừa đáp chuyến bay từ TP.HCM đến Pleiku vào sáng 26 Tết (ngày 5-2-2024), anh Đ. cho biết: “Không hiểu sao sáng giờ mạng chập chờn, không dùng được 4G trong mấy tiếng liền, lâu lâu mới có được lại mấy phút”.
Về quê đón Tết nhưng vẫn phải làm những việc tồn đọng của năm cũ, đồng thời chuẩn bị dự án năm mới, nên với anh việc duy trì đường truyền mạng ổn định với tốc độ cao rất cần thiết.
Kinh doanh quán cà phê, chị Thảo (TP.HCM) chia sẻ một trong những nỗi sợ là mạng yếu, vì ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm, dễ bị mất khách, khách không quay lại lần sau. “Mình đầu tư trang trí góc chụp ảnh đẹp, tăng lương cho nhân viên làm việc những ngày cao điểm Tết, cố gắng pha chế nước ngon, nhưng nếu quán mình không có WiFi hoặc WiFi yếu ớt thì khách sẽ thất vọng”.
Trong khi đó, chú Hải (TP.HCM) chia sẻ, bình thường có thể du di cho mạng yếu, nhưng Tết là thời điểm rất quan trọng, nếu mạng yếu sẽ làm giảm cuộc vui. Bởi nhà chú lâu nay chỉ dùng tivi có kết nối WiFi để xem phim, nghe ca nhạc, hát karaoke. “Mỗi khi hát karaoke mà mạng cà giựt, nhạc cà giựt, bực mình chịu hổng nổi”, chú Hải nói.